Các chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 mới đây đã lật bài ngửa về những khó khăn vốn được xem như "tảng băng chìm" của giai đoạn hậu mua bán sáp nhập.
Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL Law cho biết, trên thực tế, hậu M&A liên quan đến tranh chấp thường phức tạp. Phổ biến nhất là tranh chấp về lao động. Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất hiện chủ sở hữu mới, người lao động cũ sẽ xôn xao và xuất hiện loạt vấn đề về lao động mới.
Bên cạnh đó, tài chính, công nợ, pháp lý trong M&A dù đã thẩm định kỹ, nhưng cũng không lường hết được 100% khía cạnh trong một thương vụ, dẫn đến luôn có khoảng trống nhất định để lại cho các bên. Chẳng hạn, công ty có nghĩa vụ, cam kết nào đó, hoặc vi phạm pháp luật mà không nói ra (để xử lý ngầm). Về sau, mắt xích này có thể trở thành áp lực cho bên mua sau khi tiếp nhận công ty.
Ông Khương cho biết, hậu trường pháp lý khác có thể kể đến là sự hợp tác giữa bên mua và bán không "nồng thắm" như ban đầu. Ví dụ như có hay không việc rút ruột công ty trước khi bán, đưa lĩnh vực tiềm năng sang công ty khác...
Những điều này khiến chủ mới gặp khó khăn trong vận hành công ty. Nếu vấn đề không thể xử lý, bước kế tiếp là đưa nhau ra tòa, một trong hai bên phải mua lại phần vốn, song khó có thể lường được điều gì xảy ra khi bên phải mua lại không đủ năng lực tài chính.
Ngoài ra, theo ông Khương, trong lĩnh vực năng lượng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc đại lục xuất hiện vấn đề pháp lý cho một dự án sạch.
Đây cũng là nhóm rủi ro tiềm ẩn cần lưu ý. Dù đã có nhiều điều khoản góp vốn ban đầu, nhưng thực tế bên mua vẫn gặp phải cản trở từ bên bán trong việc tiếp nhận dự án, thậm chí không nắm chắc được khi nào mới có thể tiếp nhận dự án sau khi M&A.
Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính, Tập đoàn Novaland xác nhận, trong quá trình thực hiện hậu M&A, công ty này cũng gặp phải rủi ro và thách thức, trong đó có 3 thách thức chính.
Thứ nhất, vướng hệ thống văn bản pháp quy về bất động sản, triển khai pháp lý dự án. Thứ hai, vấn đề tài chính, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng chỉ được tài trợ không quá 5% cho hoạt động mua bán cổ phiếu, dù quy định này là đúng. Tuy nhiên, khi áp chung cho toàn bộ doanh nghiệp, với các deal trong thị trường nó làm cho doanh nghiệp rất khó khăn.
Thách thức cuối cùng là giai đoạn công bố thông tin giao dịch, nhìn nhận đầy đủ mặt thuận lợi và thách thức, không loại trừ sẽ có phản ứng tích cực lẫn tiêu cực trong mỗi thương vụ.
Đồng tình với quan điểm có nhiều khó khăn đằng sau một thương vụ mua bán sáp nhập, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan xác nhận: "Có rất nhiều giao dịch thách thức mà Masan đã trải qua. Chúng tôi đã từng phải đi tranh tụng vì những vấn đề giấy tờ giả mạo".
Vì vậy, theo ông Danny Le, việc đầu tiên phải cẩn trọng là giấy tờ pháp lý. Sau đó là đồng bộ văn hóa vì mỗi doanh nghiệp là một thực thể khác nhau. Kỳ vọng của bên mua và bán có thể không giống nhau cũng làm phát sinh vấn đề sau này.
"Đó là lý do vì sao luôn cần có đội nhóm theo dõi hậu M&A để rà soát lại rủi ro sau mỗi thương vụ", CEO Masan Group cho hay.
Ông Nguyễn Thái Phiên cũng cho biết kinh nghiệm trong việc xử lý các thách thức để thương vụ M&A thành công là phải cố gắng thực hiện thương vụ càng sớm càng tốt.
Trung Tín