Loài rùa tai đỏ. |
Ông Đức cho biết, rùa tai đỏ (tên khoa học là trachemys scripta) có nguồn gốc từ Mỹ, là động vật nuôi làm cảnh. Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp nó vào 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Về kích thước, loài rùa này không lớn (chỉ khoảng 15-20 cm), song nó ăn rất tạp gồm: côn trùng, tôm, giun, ốc sên, lưỡng cư, cá con và thực vật thuỷ sinh. Khi sống ở môi trường lạ (ngoài phạm vi sống tự nhiên), rùa tai đỏ sẽ cạnh tranh nguồn thức ăn của những loài địa phương.
Bằng nhiều con đường khác nhau, người dân đã mang rùa tai đỏ về nuôi làm cảnh và khi không nuôi nổi thì họ thả xuống Hồ Gươm. Con rùa tai đỏ đầu tiên được phát hiện ở hồ từ năm 1997. Và đến nay thì nó sinh sản, phát triển khá nhiều. "Có lần tôi đứng ở tháp Rùa nhìn ra xung quanh có tới 7-8 con. Nhiều người cũng đã bắt được loài rùa này mỗi khi nước đầy, chúng bò lên kè bê tông", ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá tác động của rùa tai đỏ tới các loài sinh vật đang sinh sống tại Hồ Gươm. Tuy nhiên, trong điều kiện nước cạn, nguồn dinh dưỡng bị thu hẹp, sự xuất hiện của loài xâm hại này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các loài khác. Hiện Hồ Gươm có 8 loài rùa sinh sống. Trong đó, chỉ có 3 loài là "cư dân" của hồ (ba ba, rùa cổ sọc và rùa Hồ Gươm). 5 loài còn lại (rùa vàng, rùa sa nhân, rùa tai đỏ, rùa đất Tam Đảo, rùa ba gờ) là do người dân thả.
Phó giáo sư Đức kiến nghị, cần tiến hành nghiên cứu về tác hại của loài rùa này tới rùa Hồ Gươm. Bởi sự xâm nhập của sinh vật lạ không chỉ gây tổn thất về các giá trị đa dạng sinh học (mất các loài, các nguồn gene và hệ sinh thái bản địa) mà còn gây tổn thất to lớn về kinh tế. Việt Nam từng bị ảnh hưởng của 3 loài động vật lạ ốc bươu vàng, cá kim cương và chuột hải ly. Ông Đức cũng khuyến cáo người dân không nên thả các sinh vật lạ xuống hồ.
Như Trang