Bà Tan Yen Lian, Quản lý kiến thức và thông tin Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA), đánh giá còn nhiều rào cản khiến tỷ lệ người Việt hút thuốc lá vẫn cao. Một trong những thách thức lớn nhất Việt Nam phải đối mặt là giá thuốc lá rất rẻ. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, giá trung bình một bao thuốc ở Việt Nam (nhãn hiệu phổ biến nhất) chỉ chưa đến 1 USD/bao, bằng một nửa so với các quốc gia khác. Điều này khiến thuốc lá dễ tiếp cận với nhiều người, bao gồm cả giới trẻ.
Trong khu vực, Thái Lan có tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá cao nhất (81,3%), tiếp theo là Singapore (70,7%) và Brunei (62%). Việt Nam nằm trong số ba quốc gia ASEAN cùng với Lào, Campuchia, Lào, Myanmar, có tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp nhất (dưới 35%) trong khu vực.
"Các quốc gia này cần tăng thuế thuốc lá thường xuyên để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và mức tăng thu nhập", bà Tan nói tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN, hôm 4/11.
Nhiều quốc gia trong khu vực như Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã thực thi luật cấm hút thuốc lá toàn diện tại nơi làm việc và các địa điểm công cộng. Còn Việt Nam vẫn cho phép hút thuốc tại các khu vực dành riêng cho người hút thuốc tại sân bay, khách sạn, quán bar/pub và phương tiện giao thông công cộng. Lệnh cấm hút thuốc toàn diện sẽ đem lại hiệu quả hơn trong việc bảo vệ người dân khỏi tác hại của khói thuốc.
Nhiều quốc gia cũng thực hiện cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh với kích thước được coi là thực hành tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, Thái Lan đang dẫn đầu với diện tích cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh lớn nhất trong khu vực 85%, tiếp theo là Singapore, Brunei, Lào và Myanmar với 75%. Tại Việt Nam, diện tích cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50% trên mặt chính của bao bì thuốc lá, thuộc top các quốc gia có diện tích cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh nhỏ nhất trong khu vực.
Đặc biệt, Việt Nam vẫn cho phép ngành công nghiệp thuốc lá tham gia tài trợ nhân đạo và chỉ hạn chế quảng bá các hoạt động này trên phương tiện thông tin đại chúng. Việt Nam cũng cho phép trưng bày không quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại điểm bán.
"Đây là một hình thức quảng cáo làm gia tăng tỷ lệ tiếp cận thuốc lá ở thanh thiếu niên. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của ngành công nghiệp thuốc lá, cần ban hành lệnh cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá toàn diện", bà Tan nói.
Nhằm hạn chế số lượng người hút thuốc, WHO tại Việt Nam khuyến nghị cần cải cách mạnh mẽ thuế thuốc lá, bổ sung mức thuế tuyệt đối ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại.
Bà Bungon Ritthiphakdee, Cố vấn cấp cao Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á, cho biết việc áp dụng thuế thuốc lá giúp các quốc gia đạt được ba lợi ích lớn gồm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; tạo ra nguồn thu thuế cao hơn để phân bổ cho các mục tiêu ưu tiên phát triển khác của chính phủ, và tạo nguồn thu bổ sung để tài trợ cho các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe.
Ngoài việc áp dụng thuế và cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần bảo vệ bộ máy và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.
"8 quốc gia ASEAN có luật để bảo vệ các chính sách y tế công cộng của họ khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá. Việt Nam cũng nên xây dựng và thực hiện chính sách quốc gia tương tự", bà Tan nói.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay ước tính Việt Nam có 16 triệu người trưởng thành hút thuốc. Việc sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 108,2 triệu tỷ đồng mỗi năm do chi phí y tế và giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra.
Mỗi năm ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, cao gấp 10 lần so với tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Một nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên đến 96,8%.
Lê Nga