Ngày 12/7, Bộ Xây dựng đã giao ban với các sở ngành dọc của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại TP HCM. Tại cuộc tọa đàm, lãnh đạo Sở Xây dựng nhiều tỉnh thành đã báo động thực trạng các văn bản luật, quy định, thông tư...chỉ mang tính hình thức, chưa gắn liền với cuộc sống và thiếu tính thống nhất giữa các địa phương.
Bồi thường đất nông nghiệp sát giá thị trường là một trong những đề tài được đại diện các tỉnh thành tranh luận sôi nổi nhất. Nhiều địa phương như Tây Ninh, Tiền Giang, Long An đều "kêu trời" vì không có chuyên môn định giá đất đai. Cuối cùng, giá thị trường ở đây thực chất do người dân tự đưa ra. Trong khi đó, Bộ Xây dựng không có hướng dẫn cụ thể cơ sở duyệt khung giá này.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho hay, đoàn khảo sát giá đất của tỉnh đã vấp phải thái độ bất hợp tác của người dân thổ cư nên chất lượng thông tin không xác đáng. Cụ thể, người muốn bán đất kêu giá vài trăm nghìn mỗi m2, người kiên quyết giữ đất đòi vài triệu đồng một m2 đất nông nghiệp.
Chiếc cầu lỗi nhịp dẫn vào một dự án treo tại huyện Bình Chánh, TP HCM vì vướng đền bù. Ảnh: V.L. |
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang cũng chỉ ra thực trạng gây nhiều tranh cãi là đất nông nghiệp trong đô thị và đất nông nghiệp ven trục giao thông đều có giá trị rất cao.
Ngoại trừ tính pháp lý chưa được hợp thức hóa, theo ông Điệp, xét về quy hoạch những thửa đất này có giá trị ngang bằng với đất thổ cư, không thể bồi thường giá quá thấp như đất hoa màu cho người đân. Song quy định của Bộ lại quá cứng nhắc trong vấn đề này.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phàn nàn, Bộ Xây dựng yêu cầu khi nghiên cứu, lập quy hoạch phải tổ chức lấy ý kiến người dân nhưng không đề ra cách làm như thế nào là phù hợp. Chẳng hạn bao nhiêu phần trăm người dân đồng tình thì đạt, lấy ý kiến của toàn khu dân cư hay chỉ một phần dân số.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phản đối các kiểu giải thích bằng các điều khoản, nghị định chung chung mà Bộ từng làm. Bởi lẽ, theo ông, cách trả lời này không cụ thể hóa luật lệ, xa rời thực tế.
Thông tư 09 của Bộ Xây dựng về việc bù chênh lệch giá vật liệu không áp dụng được, là vướng mắc hầu hết các tỉnh thành đều gặp phải trong cơn bão giá xi măng, sắt, thép vừa qua.
Thời gian duyệt giá vật tư và lúc thực hiện dự án cách nhau rất xa, trong khi thủ tục phê duyệt kinh phí luôn chậm, cộng thêm tốc độ tăng giá của vật liệu quá nhanh đã đẩy dự án vào tình thế bị trượt giá đến 2-3 lần, nhưng chỉ được xét trợ giá 1 lần.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiệp kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét lại việc có 3 công đoạn kiểm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư là quá nhiêu khê vì một công việc mà phải làm quá tam ba bận.
Theo ông Hiệp, đi từ Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng đến Sở Tài nguyên môi trường, chủ đầu tư chỉ làm mỗi một việc chứng minh năng lực tài chính là chưa đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát lại Luật Nhà ở vì chỉ quy định thời hạn bảo hành 6 tháng cho nhà ở 9 tầng trở lên, trong khi cao ốc đa năng 9 tầng tại TP HCM nhiều vô kể nhưng không được bảo hành.
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên thừa nhận có những văn bản do Bộ ban hành còn nhiều điểm chưa hoàn chỉnh, dẫn đến nhiều nơi không theo kịp đành buông xuôi.
Song ông Yên phân trần rằng, lãnh đạo Sở Xây dựng các tỉnh thành phải "thông cảm" vì quản lý cấp quốc gia không thể chỉ nhìn tiểu tiết mà phải đảm bảo mặt bằng chung, không thể đem nơi này nơi kia ra so sánh. Vì thế, từng địa phương nên tự đặt ra câu hỏi tại sao tỉnh bạn làm được mà mình thì không, để từ đó rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau cách thực hiện.
Ông cũng kêu gọi lãnh đạo các tỉnh thành tự linh hoạt vận dụng những quyền hạn cho phép để giải quyết các vướng mắc. Chỉ khi nào "hết cách" tháo gỡ mới cầu cứu đến Bộ.
Riêng về các tranh chấp dân sự, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh thêm, cơ quan hành chính phải tỉnh táo làm theo luật, không nhất thiết phải tham gia hay làm thay phần việc của các bên khi sự cố liên quan đến xây dựng xảy ra.
"Trong các trường hợp cơ quan nhà nước đã giải quyết theo quy định nhưng không xong, thỏa thuận đôi bên bất thành, hãy để các tranh chấp dân sự trong xây dựng cho tòa án xử lý", ông nói.
Vũ Lê