Dân số toàn cầu đã vượt 8 tỷ người vào tháng 11/2022, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Sự sụt giảm này không đồng đều trên thế giới. Trong khi tại một số quốc gia, sự tăng trưởng dân số rõ rệt, nhiều nước ghi nhận dân số già hóa và bắt đầu sụt giảm.
Theo dữ liệu của World Factbook thuộc chính phủ Mỹ, do Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) xuất bản giữa tháng 8, 40 nước sẽ thu hẹp quy mô dân số, mức giảm khoảng 1% mỗi năm. Sự suy giảm chủ yếu do tỷ lệ sinh thấp liên tục (trong một số trường hợp là cực kỳ thấp), đặc biệt là ở những nước châu Âu và Đông Á.
Các nước có số dân giảm nhanh nhất là Mỹ, Puerto Rico, Ba Lan, Litva, Estonia. Theo bản đồ được công bố, dân số Mỹ tăng trưởng với tốc độ vừa phải, khoảng 0,67% mỗi năm. Nga đứng thứ 16 trong danh sách những nước có dân số giảm nhanh chóng. Nguyên nhân là số ca tử vong lớn thời Covid-19, hàng trăm nghìn người đàn ông rời khỏi đất nước để tránh bị huy động đi chiến đấu ở Ukraine và tình trạng di cư vào Nga đạt mức thấp nhất vào năm 2023.
Trong khi đó, các nền kinh tế thịnh vượng nhất châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng ghi nhận xu hướng dân ngại sinh. Năm thứ 6 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Trong dữ liệu mới nhất do chính phủ công bố, con số giảm xuống mức thấp mới, từ 0,84 con trên một cặp vợ chồng (năm 2022) xuống còn 0,81 con trên một cặp vợ chồng (năm 2023). Tỷ lệ này dự kiến giảm tiếp, xuống còn 0,68.
Tại Việt Nam, Liên Hợp Quốc cảnh báo đến năm 2500 dân số nước ta chỉ còn 3,6 triệu người, bằng số dân tỉnh Nghệ An hiện nay, nếu mức sinh tiếp tục giảm. Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Mức sinh tại TP HCM là 1,27 con/phụ nữ, thấp nhất cả nước.
Cảnh báo trên của Liên Hợp Quốc hiện là dự báo xa nhất về tương lai dân số Việt Nam (gần 500 năm). Cảnh báo này gần như tương đồng với dự báo xu hướng từ các chuyên gia trong nước. Hơn 60 năm qua, tỷ lệ tăng dân số Việt Nam giảm mạnh, từ mức rất cao là 3,9% (năm 1960) xuống còn 1,14% (2019) và 0,95% (năm 2021).
Tomas Sobotka, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nhân khẩu học và Nguồn lực Wittgenstein, phó giám đốc Viện Nhân khẩu Vienna, tăng trưởng dân số toàn cầu sẽ tiếp tục chậm lại. Mức sinh toàn cầu giảm một nửa từ năm 1950 đến năm 2021, từ 4,83 xuống 2,23. Các dự báo mới nhất cho thấy vào năm 2050, con số sẽ giảm về mức 1,59 - 2,08, sau đó tiếp tục xuống mức 1,25 - 1,96 vào năm 2100. Trong khi tỷ suất sinh cần thiết để duy trì là 2,1.
Theo một số chuyên gia, việc thu hẹp quy mô dân số thế giới cần được nhìn nhận một cách cởi mở hơn. Tỷ lệ sinh thấp có thể được coi là dấu hiệu của sự thành công. Giới nghiên cứu cho rằng khi xã hội ổn định với nền kinh tế tốt, khả năng chăm sóc người già được nâng cao. Việc các cặp vợ chồng cố sinh con để chăm sóc họ khi về già giảm thiểu. Đây là lý thuyết được thiết lập từ lâu với cái tên: quá trình chuyển đổi nhân khẩu học.
Sarah Harper, Giám đốc Viện Lão hóa dân số Oxford, khuyên thay vì tập trung vào đảo ngược tình trạng suy giảm dân số, các nước nên học cách chung sống với nó. Điều này có nghĩa về lâu dài, họ sẽ cần tìm giải pháp để đảm bảo lực lượng lao động tiếp tục phát triển.
Thục Linh (Theo Conversation, Newsweek)