Kỷ niệm 160 năm kháng Pháp, ngày 31/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha: Quá khứ và hiện tại, với sự tham dự của khoảng 100 học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đây là lần thứ tư Đà Nẵng tổ chức hội thảo, tọa đàm về sự kiện này.
Pháp muốn biến Việt Nam thành bàn đạp tấn công Trung Hoa
Là thư ký của Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, TS Lê Sơn Phương Ngọc phản biện lại quan điểm của nhiều nhà khoa học cho rằng Pháp đánh chiếm Đà Nẵng vì có cảng nước sâu thuận lợi cho tàu chiến ra vào, cũng như làm bàn đạp tấn công kinh thành Huế cách hơn 100 km đường bộ về phía Bắc.
TS Ngọc cho biết, chính Tổng tư lệnh Rigault de Genouilly - Tổng chỉ huy chiến dịch của Pháp đánh chiếm Đà Nẵng nói rằng, thủy quân của ông không thể mang vác đi bộ hơn 100 km, vượt qua đèo Hải Vân cao và dài nhất An Nam để hành quân từ Đà Nẵng ra Huế, trong khi từ biển Thuận An lên kinh thành Huế chưa tới 15 km.
"Thực ra, thực dân Pháp chiếm đánh Đà Nẵng với mưu đồ lớn hơn, có ý nghĩa chiến lược bao quát hơn, để tiến tới xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự hùng mạnh, thành một bàn đạp lý tưởng, nhằm giành lấy toàn bộ khu vực thuộc địa rộng lớn gồm cả Đông Nam Á cho mình", TS Ngọc nói.
Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng) cho rằng TS Ngọc có lý khi phản bác lại các ý kiến trước đây về lý do chọn Đà Nẵng tấn công. Tuy nhiên, nếu Đà Nẵng thất thủ thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra và chắc không thể loại trừ khả năng người Pháp nhanh chóng tiếp viện lực lượng viễn chinh và dùng bộ binh nuốt chửng nước Đại Nam qua cửa ngõ Đà Nẵng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, liên quân Pháp - Tây Ban Nha mượn cớ triều đình nhà Nguyễn cấm đạo để nổ súng xâm lược Việt Nam với mục tiêu tìm đường vào Trung Quốc. Bằng chứng là khi không chiếm được Đà Nẵng ngay, Pháp đã đưa quân vào chiếm Gia Định và sau đó đánh ra Bắc để tiếp cận tỉnh Vân Nam, chứ không nhằm vào Huế.
Không thể đổ lỗi thất bại do nhà Nguyễn bạc nhược
Nhiều tài liệu lịch sử trước đây cho rằng, nhà Nguyễn đã thụ động, bạc nhược trong cuộc kháng chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu, bỏ qua cơ hội phản công lúc liên quân tại Đà Nẵng và Sài Gòn phân tán lực lượng trên nhiều chiến tuyến. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu tham dự hội thảo lần này cho rằng, những quan điểm đó cho thấy một khoảng trống lịch sử, khi nhiều người quá phụ thuộc vào tài liệu của triều Nguyễn hoặc từ phía Pháp.
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nhiều người lấy căn cứ từ tài liệu viết về cuộc đời vua Tự Đức để chứng minh cho việc triều Nguyễn thiếu chủ động trong chiến đấu chống lại quân Pháp. Nhưng trên thực tế, đây là tài liệu được viết sau này, khi Việt Nam đã bị thực dân Pháp bảo hộ, nên đã bị giảm đi rất nhiều tinh thần kháng Pháp của quân và dân triều Nguyễn.
GS Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản quốc gia) nhận định, nhà Nguyễn sớm đánh giá cao vị thế quan trọng của vùng biển và hải đảo nên rất quan tâm đến việc bảo vệ, khai thác các vùng biển đảo từ Móng Cái đến Hà Tiên. Điều này thể hiện trách nhiệm của vương triều trong việc bảo vệ chủ quyển lãnh thổ quốc gia và sự bình yên của cư dân chống lại nạn cướp biển.
"Chúng tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan của việc đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị từ những năm cuối của thế kỷ 19. Nhưng rất cần khẳng định và ghi nhận vai trò của nhà Nguyễn trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ trong toàn quốc nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia", ông Bình nói.
Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến (Khoa Sử, Đại học Khoa học Huế), nếu chỉ dựa vào tư liệu phía triều Nguyễn thì chỉ biết được rất ít, thậm chí hiểu sai tinh thần, đường hướng chiến lược và chiến thuật về cuộc chiến đấu bảo vệ Đà Nẵng những ngày đầu kháng Pháp. Trong khi nhiều tài liệu từ phía Pháp đã cung cấp khá chi tiết và khách quan.
Chứng minh việc nhà Nguyễn không hề "án binh bất động" ở chiến trường Đà Nẵng như nhiều sách sử phổ biến hiện nay, thạc sĩ Tiến dẫn ra nhiều tài liệu của Pháp cho thấy sau chiến thắng hai ngày liên tiếp 6-7/2/1859, đẩy đội quân cùng tàu chiến của liên quân do tướng Thoyon chỉ huy ra vùng cửa sông Hàn, quân lính triều Nguyễn vẫn miệt mài xây dựng và củng cố hệ thống đồn lũy, không từ bỏ quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ.
Thậm chí binh lính triều Nguyễn còn tổ chức những chuyến trinh sát thâm nhập sâu để nắm tình hình; đột kích, phá hoại doanh trại của giặc trong đêm tối; đốt cháy lều, đồn nhỏ, cột cờ của giặc ở các thành, đồn chúng chiếm đóng; dựng ụ pháo ngay trên bãi biển để bắn phá tàu pháo của địch, buộc chúng hàng đêm phải quay lại trú ẩn cạnh thành An Hải, tổ chức nhiều trận phục kích giết hại lính liên quân...
Nhà nghiên cứu Võ Hà (Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng) nhận định, việc vua quan triều Nguyễn sau năm lần đàm phán với Pháp vẫn chưa đồng ý nghị hòa chưa hẳn là thiếu dứt khoát. Mục đích của triều Nguyễn khi đó là kéo dài thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng, thu gặt mùa màng, trong khi binh lính liên quân đang gặp khó khăn (thiếu lương thực, bỏ mạng về bệnh tật, tinh thần hoang mang vì hay bị đánh du kích), để quân giặc nhụt chí mà rút lui.
"Nói việc nghị hòa này không thành công là chưa phản ánh đúng bản chất của vấn đề, vì triều đình Huế lúc bấy giờ chưa có thành tâm nghị hòa", ông Hà nói.
Bàn về nghệ thuật quân sự giúp đẩy lùi liên quân xâm lược tại chiến trận Đà Nẵng (giai đoạn 1858-1860), TS Phan Sỹ Phúc (Trung đoàn Bộ binh 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2) cho rằng, sức mạnh của quân và dân ở Đà Nẵng có được là nhờ tổng hòa các yếu tố về con người, từ người đứng đầu triều đình, đến nhân dân địa phương nơi diễn ra các trận đánh.
Điều này có thể nhìn thấy ở việc tìm ra các biện pháp xây dựng tuyến phòng thủ, hạn chế được thua kém đối phương về vũ khí trang bị, tận dụng triệt để lợi thế của địa hình tại chỗ, sáng tạo ra những cách đánh tiêu diệt và ngăn chặn địch hiệu quả, khiến quân Pháp không thể phát triển mở rộng chiếm đóng, không đạt được mục tiêu nhanh chóng xâm lược và đặt ách cai trị lên toàn bộ đất nước.
GS Trịnh Văn Thảo (Đại học Aix-Marseille, Pháp) cho biết, qua nhiều tài liệu của Pháp cho thấy chiến dịch Đà Nẵng chấm dứt ngày 23/3/1860 và phía liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã mất một nghìn quân sĩ tại đây. Hiểu biết của các sử gia Việt Nam về phản ứng của triều Nguyễn trước hành động xâm lấn của cường quốc, những cố gắng quốc phòng, biện pháp động viên dân chúng, xử lý vấn đề giáo dân hay địa phương... vẫn còn quá sơ lược và tiêu cực với triều đình Huế.
"Ai cũng phê bình nhà Nguyễn. Thế còn trách nhiệm của đại bộ phận tầng lớp trí thức trong xã hội Nho giáo, thành phần văn thân ở đâu?", GS Thảo đặt câu hỏi và cho rằng các tài liệu, tường thuật chiến sự cũng như phân tích hậu quả giai đoạn ban đầu kháng Pháp của phần đông sử gia Việt Nam vẫn còn cục bộ, ít ai xem đó như là một thử thách rất có ý nghĩa với Việt Nam.