Tin truyền miệng về việc phát miễn phí que cấy tránh thai lan ra nhanh chóng tại thị trấn Caucaguita. Một số người may mắn được trưởng xã dưa vào danh sách, những người khác hóng chờ, hy vọng sẽ còn dư những que cấy khác. Bà Clemente có 104 que, nhưng con số này quá ít so với nhu cầu.
Phụ nữ Venezuela khó kiếm được các phương tiện hay dụng cụ tránh thai do khủng hoảng kinh tế và chính trị, khiến nhiều người đành phải mang thai, các nhà hoạt động xã hội và chuyên gia y tế cho hay.
Các tổ chức quốc tế như Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Venezuela hàng chục nghìn thiết bị tránh thai trong năm nay. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn rất cao. Ngày càng nhiều phụ nữ Venezuela phải sang nước khác để nhận được những dịch vụ y tế mà họ không thể tiếp cận tại quê nhà. Hơn 26.000 phụ nữ Venezuela sang Colombia để sinh con từ tháng 8/2015.
"Phụ nữ đang bắt buộc phải mang thai vì họ không có lựa chọn nào khác. Họ bị bắt buộc phải làm mẹ", Luisa Kislinger, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, cho hay.
Nicol Ramirez mới 15 tuổi và đã làm mẹ. Tên của cô có trong danh sách đăng ký xin cấy que tránh thai của bác sĩ Clemente, nhưng để được cấy, Nicol cần có kết quả xét nghiệm chứng minh không mang thai. Để thực hiện xét nghiệm này, Nicol và chị gái cần 40.000 bolivar, tương đương 3 USD.
"Tình trạng của đất nước không phù hợp để sinh con. Bản thân cháu cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ", Nicol nói.
Chính phủ Venezuela dưới thời cố tổng thống Hugo Chavez đã tăng cường hỗ trợ các bà mẹ khó khăn qua việc cấp tiền mặt hàng tháng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế đã khiến món tiền này bị cắt. Thay vào đó, phụ nữ nghèo chỉ thi thoảng nhận được 1-2 USD tiền hỗ trợ.
Số liệu chính phủ cho thấy tình trạng mang thai ở trẻ vị thành niên tăng dần trong giai đoạn ông Chavez nắm quyền từ 1999-2013. Tỷ lệ tử vong của phụ nữ Venezuela khi mang thai và sinh nở tăng hơn 65% trong giai đoạn 2015-2016. Các chuyên gia y tế cho rằng Venezuela có thể giảm 1/3 tỷ lệ tử vong nói trên bằng cách cung cấp các biện pháp tránh thai cho phụ nữ.
Một số tổ chức y tế độc lập và hoạt động vì quyền phụ nữ ước tính 28% trong tổng số trẻ sơ sinh hàng năm tại Venenezuela thuộc về phụ nữ dưới 20 tuổi.
Nicol phát hiện mình mang thai năm 14 tuổi với người bạn trai 23 tuổi. Bao cao su và thuốc tránh thai rất khó mua hoặc quá đắt tại Venezuela. Khi Nicol báo tin cho bạn trai, anh ta phản ứng khá lạnh lùng. Anh ta vốn đã có con và nói rằng không thể chịu thêm trách nhiệm. Từ đó, Nicol và anh ta mất liên lạc.
Bà mẹ 15 tuổi này từng có nguy cơ tử vong cao trong khi mang thai. Các bác sĩ phải làm phẫu thuật mổ bắt con khẩn cấp khi nhịp tim của em bé trở nên thất thường.
Mong muốn được tiếp cận với các biện pháp tránh thai như của Nicol rất phổ biến. Cuộc khảo sát 151 dược sĩ vào năm 2018 cho thấy thuốc cũng như các dụng cụ tránh thai là hàng hiếm. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc mới hỗ trợ được khoảng 45.000 que cấy tránh thai trong khi khoảng 9 triệu phụ nữ tại quốc gia này có khả năng mang thai trong thời gian tới.
Trở lại với bác sĩ Clemente, tới 11h30 sáng hôm đó, tất cả các thiết bị tránh thai đã hết. Khoảng 40 phụ nữ vẫn xếp hàng chờ đợi. Một số thở dài, một số tỏ ra giận dữ khi biết đã hết các que cấy tránh thai.
Salas, một phụ nữ không được cấp que cấy cho biết một tổ chức y tế gần đó bán que cùng loại với giá 90.000 bolivar (6,5 USD), gần bằng số tiền chồng cô kiếm được trong một tuần.
Nicol cùng chị gái may mắn có được những que cấy tránh thai cuối cùng từ bác sĩ Clemente. Mẹ của hai em đã cố gắng xoay xở được số tiền. Ba người phụ nữ khác trong dòng người đến trạm y tế hôm đó được thông báo họ đã mang thai.
Khi bác sĩ vừa cấy xong que tránh thai vào tay Nicol thì mất điện – lần mất điện thứ hai trong khu vực chỉ trong một tuần. Nicol rời trạm tối om với con gái nhỏ bế trên tay, cảm thấy nhẹ nhõm vì biết rằng mình sẽ không sớm tiếp tục sinh con.
"Cháu chưa sẵn sầng để có con. Cháu mới chỉ là một cô bé 15 tuổi", Nicol nói khi đứa con nhỏ của em bắt đầu khóc.
Thu Hương (Theo AP)