Dù sau đó tòa xử thắng kiện đất đai nhưng hiện nay hàng tháng chị vẫn phải lên TP HCM khám bệnh, lấy thuốc. Tiền thuốc men, tiền xe đi lại đã chiếm gần một nửa tiền lương mỗi tháng. Như nhiều bệnh nhân khác, chị đề nghị được cấp toa thuốc 2 tháng nhưng bác sĩ điều trị không chấp nhận.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm tại đây, số lần khám của người bệnh trầm cảm chiếm 23,1% tổng số ca bệnh đến khám và điều trị ngoại trú, trong đó nữ chiếm 68,2%.
"Các nhóm thuốc chống trầm cảm hiện nay gần như có đầy đủ như các nước Tây Âu nhưng giá cả không phải là thấp. Cùng với đó là chi phí đi lại, số ngày không thể làm việc, chi phí chăm sóc hậu quả của bệnh chắc chắn ảnh hưởng nặng nề tới ngân sách và điều kiện sống của nhiều gia đình", bác sĩ Trụ phân tích.
Theo bác sĩ Trụ, trầm cảm nặng đã trở thành nguyên nhân quan trọng dẫn đến gánh nặng ngân sách sau tự tử và bệnh tim mạch. Năm 1990, Tổ chức Ngân sách bệnh tật toàn cầu đã xếp các rối loạn trầm cảm là nguyên nhân thứ 4 dẫn đến mất ngày công lao động sau các bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy và bệnh của thai nhi, trẻ sơ sinh. Đến năm 2010, các rối loạn trầm cảm xếp hạng 2 gánh nặng ngân sách.
Trầm cảm nặng cũng góp phần lớn vào chi phí cứu chữa điều trị tự tử và thiếu máu cơ tim. Theo các nhà nghiên cứu, trầm cảm nặng gây mất 16 triệu ngày làm việc mỗi năm. Gánh nặng chi phí do các rối loạn trầm cảm ở nữ cao hơn nam, cao nhất là mất khả năng lao động.
Một số biểu hiện thường gặp ở người trầm cảm là cảm thấy chán nản, cô độc, bế tắc, không còn hứng thú với cuộc sống, ăn không ngon miệng, thường xuyên mất ngủ, khó tập trung, hay lo lắng vô cớ, dễ nổi nóng, không thích giao tiếp, có ý nghĩ chán đời, dễ dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực...
Bác sĩ Trụ cũng đưa ra lưu ý, hiện nay các thuốc an thần, thuốc cổ truyền không chữa được trầm cảm. Triệu chứng của bệnh trầm cảm tuy giống nhau nhưng mỗi người phù hợp với những loại thuốc riêng. Vì thế, người bị bệnh trầm cảm không nên tự mua thuốc uống theo mách bảo, cũng không tự ý ngưng thuốc đột ngột, ngừng sử dụng khi thấy khỏe hay "có tinh thần" trở lại.
Lê Phương