Tiến sĩ Đào Minh Hồng - Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) là diễn giả tại tọa đàm The SACE Journey - Mở khóa Gen Z, tập 1, phát sóng ngày 22/3 trên VnExpress. Với chủ đề "Nhận diện phụ huynh của Gen Z", Tiến sĩ đã đưa ra những dấu hiệu nhận diện phụ huynh Việt nói chung và phụ huynh của GenZ nói riêng. Bên cạnh đó là quan điểm phụ huynh nên quan tâm con thế nào là đúng, là đủ.

Tiến sĩ Đào Minh Hồng chia sẻ tại tọa đàm SACE Journey - Mở khóa Gen Z, tập đầu tiên.
Nhận diện
Ở Việt Nam bố mẹ đóng vai trò lớn trong hầu hết mọi việc của con cái, từ học hành, công việc đến quan hệ bạn bè, hôn nhân...
Tạp chí The Economist dẫn lại Khảo sát của Quỹ giáo dục Varkey Foundation có trụ sở tại London thực hiện tháng 12/2017 tại 29 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ghi nhận phụ huynh ở các nước đang phát triển dành nhiều thời gian giúp con cái học hành hơn cha mẹ ở các nước giàu.
Phụ huynh Việt Nam dành trung bình 10 giờ mỗi tuần giúp con làm bài tập hoặc đọc sách cho chúng nghe, xếp hạng 2/29 quốc gia khảo sát, chỉ đứng sau Ấn Độ. Thực tế đó tương phản với cha mẹ các nước phát triển như Phần Lan và Nhật Bản. Họ chỉ dành trung bình 3 giờ mỗi tuần giúp con học. Chỉ 5% người Phần Lan giúp con làm bài tập ít nhất 7 giờ mỗi tuần, trong khi đến 31% không làm gì.
Trước thực tế này, Tiến sĩ Đào Minh Hồng cho rằng, phụ huynh Việt can thiệp quá sâu, quá bao bọc sẽ làm đứa trẻ mất đi tính tự lập, tự khám phá và luôn thấy áp lực. Thậm chí, những sự quan tâm, kỳ vọng lớn đó cũng tạo áp lực lên cho cả phụ huynh và học sinh, góp phần hình thành 5 đặc trưng của phụ huynh Việt trong nuôi dạy con cái.
Áp lực về thành tích và điểm số. Phụ huynh luôn mong muốn con mình phải đạt điểm cao, phải có thành tích trong các cuộc thi nhưng lại chỉ nghĩ: "Mình chỉ cần bỏ tiền để cho con tham gia các lớp học thêm là đủ".
Phụ huynh coi con là phương tiện để đạt những kỳ vọng của mình. Nhiều trường hợp kỳ vọng quá cao so với sức lực và khả năng của con, khiến trẻ bị biến thành "vật thí nghiệm" và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi và mặc cảm của phụ huynh.
Phụ huynh tự tạo áp lực cho mình, từ đó gây sức ép lên con cái. Theo Tiến sĩ Minh Hồng, rất ít phụ huynh Việt hỏi con hôm nay ở trường có vui không mà chỉ hỏi hôm nay được mấy điểm; hay lúc nào cũng nói bố mẹ đã hy sinh cho con, vất vả vì con nên con hãy cố gắng lên... phụ huynh không biết những điều này đã vô tình hình thành áp lực với đứa trẻ. Cha mẹ cần hiểu rằng, trên tất cả những quyền lực, bằng cấp, địa vị hay tài sản, những đứa trẻ cần sự bình an trong tâm hồn, một tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và trong lành.
Phụ huynh đang giáo dục con bằng nỗi sợ. Nhiều bố mẹ dùng các hành vi xâm phạm đến thể chất và tinh thần khiến con sợ hãi; dọa dẫm con về những điều tiêu cực trong trường học, hay không cho phép con được làm sai, được gặp thất bại. Điều này khiến nhiều trẻ trở nên bất lực, sợ hãi, trầm buồn vì lo sợ cha mẹ sẽ buồn bã, mệt mỏi, bệnh tật, cáu giận vì mình; sợ rằng mình là nguyên nhân gây bất hoà giữa cha mẹ, trong gia đình...
Không coi nhà trường là đồng minh trong giáo dục con. Tiến sĩ Đào Minh Hồng cho rằng, nhiều phụ huynh ít cập nhật kiến thức và kinh nghiệm dạy con, thường nhìn vào đời sống học đường với một lát cắt hẹp, coi nhà trường cũng giống như một cơ sở dịch vụ độc lập phải lo trọn gói cho con mình.
Tiến sĩ Hồng cho biết, phụ huynh của Gen Z hiện nay đa số là 7x, 8x. Phụ huynh thế hệ 7x là những người đã có sự thành đạt nhất định về tài chính, có dự trữ cho kinh tế, bởi vậy hầu hết đều tự tin trong việc nuôi dạy con cái. Phụ huynh thế hệ 8x là những người chịu tác động trực tiếp của thời kỳ toàn cầu hoá; họ cởi mở, năng động và có kiến thức ngoại ngữ, công nghệ. Điều đó làm cho họ có khả năng tồn tại ở bất kỳ môi trường nào, nhưng họ lại thấy những nỗ lực của mình chưa mang lại tự chủ tài chính một cách chắc chắn.
Nếu thế hệ 7x đạt thành công khi 50 tuổi, thì 8x kỳ vọng có thể đạt được khi 35 - 40 tuổi. Điều đó vô hình chung tạo áp lực cho các phụ huynh 8x - những người cảm thấy bị áp lực về nhu cầu kinh tế, rồi khi có quá nhiều thông tin thì càng càng bối rối và áp lực. "Mặt khác, phụ huynh của thế hệ Gen Z nhìn chung có tư duy đa chiều, nhưng để hình thành lập trường, quan điểm kiên định cá nhân thì chưa. Vì vậy khi nếm mùi thất bại họ sẽ dễ dàng khủng hoảng - một thế hệ hoang mang, dẫn tới dạy con trong hoang mang", Tiến sĩ Hồng nhận định.
Quan tâm con thế nào là đủ
"Làm cha mẹ thực sự là một nghề, và nghề này sẽ đi theo mình đến suốt cuộc đời. Bởi vậy, muốn hay không chúng ta phải học - hãy học cách để làm công việc đó một cách hiệu quả và vui vẻ nhất, thú vị nhất cho chính mình và cho tất cả các bên liên quan", Tiến sĩ Đào Minh Hồng cho biết.
Cũng theo tiến sĩ, học là cách để phụ huynh có cơ hội hiểu chính mình, sự phù hợp, mong muốn hay áp lực của mình và gia đình đối với bản thân và con - phù hợp thì thúc đẩy, chưa phù hợp thì cùng điều chỉnh. Học để giúp phụ huynh hiểu hơn về đặc trưng tâm sinh lý lứa tuổi và đời sống của con, dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe. Dừng những so sánh con mình với "con nhà người ta".
Thay vì giáo dục theo lối độc đoán, áp đặt, quá tự do; thiếu trách nhiệm hoặc nuông chiều; không giới hạn và thiếu hướng dẫn, phụ huynh hãy tự học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ năng để giáo dục theo cách phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng cá nhân con học sinh. Việc này đòi hỏi phụ huynh dành thời gian bởi đây là điều không tự nhiên có được.
Về khía cạnh phụ huynh với nhà trường, Tiến sĩ Hồng chia sẻ, hãy nhìn về đời sống học đường của con trong cái nhìn tôn trọng, chia sẻ và cùng chịu trách nhiệm. Nơi đó có các mối quan hệ giữa con với bạn bè, với thầy cô. Phụ huynh cần bình tĩnh để nhìn sự việc trong cái nhìn đa chiều, coi nhà trường là một xã hội thu nhỏ, với nhiều thành viên và hoạt động đa dạng. Ở đó, chính học sinh và mọi thành viên cần được hiểu, được tôn trọng, được an toàn và được có giá trị... chứ không chỉ riêng học sinh cần như vậy.
"Nuôi dạy một đứa trẻ là nhiệm vụ của một ngôi làng. Một cộng đồng tốt, một môi trường gia đình lành mạnh chính là những điều kiện tốt để con có thể phát triển", Tiến sĩ Hồng nhấn mạnh.
Thế Đan
Chuỗi Tọa đàm The SACE Journey - Hành trình vào đại học top thế giới từ lớp 10 nằm trong khuôn khổ Education Connect - Cổng kết nối giáo dục do báo điện tử VnExpress tổ chức cùng Trường Quốc tế đơn ngữ Scotch AGS. Các chuyên gia là khách mời của chuỗi tọa đàm sẽ cùng thảo luận những chủ đề về giáo dục đang được xã hội quan tâm nhằm đánh giá về thách thức, lo âu của phụ huynh Gen Z khi đồng hành cùng con, đồng thời chia sẻ những nhận định, quan điểm mang tính định hướng dành cho học sinh cấp 3.
Đăng ký tham dự sự kiện tại đây.