Chiều 23/9, chưa đến giờ cao điểm song nhiều tuyến phố nội thành đã nhộn nhịp phương tiện qua lại. Lực lượng cảnh sát giao thông thay vì làm việc ở các chốt kiểm soát, nay chia về điều tiết phương tiện ở những ngã tư có lưu lượng xe lớn.
Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng CSGT số 6, cho hay trong thời gian thành phố áp dụng chỉ thị 16, đội tổ chức 3 chốt kiểm soát nay chỉ còn một chốt trên địa bàn phường Trung Hòa. Cảnh sát không còn kiểm tra giấy đi đường, tuy nhiên, "chúng tôi vẫn được giao nhiệm vụ tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch".
Một số khu vực công cộng ghi nhận nhiều người dân đến tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối. Xung quanh Hồ Gươm, tối 22/9, nhiều người đứng tụ tập không bảo đảm giãn cách, buộc lực lượng chức năng phường Tràng Tiền ra yêu cầu giải tán. Sáng nay (23/9), hàng trăm người đạp xe, đi bộ tập thể dục quanh Hồ Gươm.
Khu vực quanh hồ Tây, bờ hồ trong công viên Thủ Lệ..., cũng trở nên tấp nập, khác với cảnh vắng vẻ trong thời gian thành phố cách ly xã hội.
Sau ba ngày thành phố nới lỏng (từ 6h ngày 21/9), hàng loạt cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã lần lượt mở lại. Điểm mới trong hoạt động của các cơ sở này so với trước đây là yêu cầu khách hàng khai báo y tế bằng mã QR.
Trên phố Tô Hiệu, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), đa số quán ăn đã tạo điểm quét mã QR ở cửa ra vào. Vừa chuẩn bị đồ ăn trong bếp, bà Hiền, chủ một quán bún bò Huế tại số 106/C6 Tô Hiệu, vừa nói vọng ra hướng dẫn khách dùng điện thoại quét mã và đứng cách hai mét.
Ông Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng, cho hay tất cả hàng quán trên địa bàn muốn mở cửa trở lại đều phải ký cam kết phòng chống dịch. "Chúng tôi lập hai tổ công tác do công an phường đảm nhiệm, liên tục tuần tra và xử lý các trường hợp vi phạm", ông Trung nói.
Tương tự, tại phường Phú Đô (quận Nam Từ Liên), anh Nguyễn Đức Cường, chủ một quán vịt nướng, cho hay khi anh mở hàng sau giãn cách, lực lượng chức năng đến đề nghị anh ký giấy cam kết phòng chống dịch. "Nội dung là yêu cầu khách quét mã QR, không ngồi ăn tại chỗ và không bán hàng quá 21h hàng ngày", anh Cường nói.
Chia sẻ về việc "đi đâu cũng phải quét mã QR", chị Lê Thị Thu Quỳnh (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) cho rằng hơi bất tiện, nhưng "thành phố mới nới lỏng, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn nên đây là việc cần thiết, trong thực tế việc quét mã chỉ mất chưa đến một phút là xong".
Các chợ, siêu thị được mở cửa liên tục trong thời gian Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên sau nới lỏng lượng khách nhiều nơi đông hơn. Ghi nhận tại siêu thị Big C Thăng Long tối 22/9, hàng dài người dân đứng đợi ở khu vực cửa ra vào chờ khai báo y tế. Bên trong siêu thị chủ yếu bán thực phẩm, đồ ăn, uống mang về; các gian hàng quần áo, giày dép... chưa mở cửa trở lại.
Tại chợ Nguyễn Cao, phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng), các tiểu thương căng dây và tấm nylon ngăn giữa người bán và người mua để phòng dịch. "Ba ngày nay hàng hóa phong phú hơn, nhất là rau xanh, thực phẩm tươi sống, người mua cũng nhiều hơn vào giờ tan tầm", bà Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương chợ Nguyễn Cao, cho hay.
Trên phố Nguyễn Thái Học, Trịnh Hoài Đức (quận Đống Đa), một số cửa hàng bán đồ thể thao, tranh, đồ lưu niệm... dù không nằm trong diện được hoạt động song đã mở cửa. Một chủ cửa hàng tranh trên phố này phân trần rằng, cửa hàng cũng là nhà ở nên việc mở cửa là "khó tránh khỏi".
Hà Nội nới lỏng giãn các từ 6h ngày 21/9. Nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở lại song chính quyền yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại địa điểm công cộng; dừng các hoạt động thể thao, giải trí nơi công cộng...
Phạm Chiểu - Võ Hải