Liên hoan phim Việt Nam 2015 khai mạc tối 1/12 tại TP HCM với nhiều hoạt động tôn vinh, khẳng định vị thế của điện ảnh Việt Nam. Từ hàng trăm bộ phim gửi về dự tuyển tranh giải, ban tuyển chọn của Liên hoan chọn ra 125 bộ phim ở các thể loại để đưa vào các hạng mục.
Hạng mục phim truyện điện ảnh giới thiệu 35 phim trong hạng mục tranh giải (20 phim) và chương trình Toàn cảnh (15 phim) .Trong đó có tới 21 tác phẩm gắn mác 16+. Các tác phẩm này đều xoay quanh những chủ đề gai góc như bạo lực, tình dục và kinh dị. Một số phim không có đề tài nhạy cảm nhưng lại có một số cảnh quay được cho là không phù hợp khán giả dưới tuổi 16.
Trong số các tác phẩm cấm trẻ em dưới 16 tuổi, khá nhiều phim đề cập đến vấn đề đồng tính như Lạc giới, Cầu vồng không sắc, Để Mai Tính 2, Đập cánh giữa không trung... Bên cạnh đó là những tác phẩm kinh dị từng gây sốt rạp chiếu như Ngủ với hồn ma, Quả tim máu, Đoạt hồn, Chung cư ma...
Lý giải về tiêu chí lựa chọn phim điện ảnh tranh giải và trình chiếu trong chương trình Toàn cảnh, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết tất cả tác phẩm được chọn đều đáp ứng bốn tiêu chí "Dân tộc - nhân văn - sáng tạo - hội nhập". Những phim này đều được hội đồng tuyển chọn gồm những người có chuyên môn thẩm định theo tiêu chí khắt khe.
"20 phim đưa vào tranh giải có tiêu chí khác với phim được chiếu trong chương trình Toàn cảnh. 15 phim được chiếu trong chương trình toàn cảnh nếu có phim 16+ cũng đều là phim được cấp phép phát hành và phổ biến rộng rãi. Vì vậy không có lý do gì mà ban tổ chức không giới thiệu đến công chúng. Tôi cho rằng đó là sự phong phú trong sáng tạo của các nhà làm phim", bà Lan nói.
Bà Lan không đưa ra đánh giá về khả năng thắng giải của các phim 16+ mà khẳng định: "Khi trình chiếu miễn phí, khán giả xem phim 16+ rất đông, đến mức các rạp phải tăng suất chiếu".
Một đạo diễn từng tham dự nhiều kỳ Liên hoan phim Việt Nam cho biết so với Liên hoan phim lần thứ 18 (2013), các tác phẩm tranh giải lần này bớt "thảm họa" hơn. Đạo diễn này nhắc lại trong kỳ liên hoan trước có những tên phim vừa xuất hiện trong danh sách đã bị khán giả la ó, còn giới chuyên môn đánh giá là "thảm họa" như Giấc mộng giàu sang, Ranh giới trắng đen, Cát nóng, Hiệp sĩ Guốc Vông...
Dù số lượng phim 16+ chiếm đa số, phim ở các thể loại còn lại ít hơn nhưng được giới chuyên môn đánh giá là "nặng ký".
Năm nay có bốn bộ phim lịch sử tranh giải. Ngoài Sống cùng lịch sử, ba phim còn lại như Thầu Chín ở Xiêm, Người trở về, Người đi xuyên rừng đều được khán giả đánh giá cao về giá trị lịch sử cũng như khả năng khơi gợi cảm xúc, lòng tự hào dân tộc. Tương tự, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Cuộc đời của Yến đều là những bộ phim chinh phục được khán giả bởi tính nhân văn, mạch kịch bản chặt, diễn xuất tốt, hình ảnh đẹp, kỹ thuật quay chỉn chu.
Bà Ngô Phương Lan khẳng định so với Liên hoan phim lần thứ 18, kỳ này đón nhận nhiều phim nặng ký về đề tài lịch sử hoặc những tác phẩm gây nhiều xúc động với khán giả.
Ông Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn của phim Thầu Chín ở Xiêm, tin tưởng giá trị học thuật, độ khó của đề tài sẽ là yếu tố khiến các phim lịch sử được trân trọng ở mọi thời điểm, không đơn thuần chỉ trong một liên hoan phim.
Diễn viên Mai Thu Huyền, đại diện nhà sản xuất phim Lạc giới - một trong những phim gắn mác 16+ tham gia tranh giải, khẳng định phim của chị từng giành nhiều giải thưởng tại lễ trao giải Cánh Diều hay Ngôi Sao Xanh. Nhưng ở liên hoan này, chị khá e ngại trước những tác phẩm từng gây hiệu ứng tốt với khán giả như Người trở về, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
"Những phim đề tài chính luận năm nay có giá trị nghệ thuật và nhân văn cao. Bởi vậy, dù số lượng ít hơn những phim gắn mác 16+, các phim kể trên là đối thủ đáng gờm của những bộ phim có đề tài nhạy cảm như Lạc giới", Mai Thu Huyền nói.
Châu Mỹ