![]() |
Những nạn nhân trong trận động đất lịch sử ở Iran. |
Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ khẩn cấp cho Iran khoản tiền 90.000 USD để đối phó với tình hình khó khăn và cử một số chuyên gia tới nước này đánh giá thiệt hại. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết sẽ thực hiện cuộc vận động quốc tế giúp đỡ Iran.
Một quan chức của OCHA là Madeleine Moulin-Azevedo cho rằng, những thứ cần khẩn cấp cho Iran bây giờ là thuốc men, lều bạt, bệnh viện lưu động, máy phát điện, thiết bị lọc nước và chăn màn quần áo. Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF cũng đã gửi đợt viện trợ y tế đầu tiên cho Iran trị giá 350.000 USD.
Các nước EU, Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác đều cam kết hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế của Iran. Các nước này đã gửi nhân viên y tế, chuyên gia cứu hộ, thuốc men, viện trợ tài chính cùng các loại thiết bị tìm kiếm đặc biệt khác đến vùng xảy ra động đất ở Iran.
Theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ Tình trạng khẩn cấp đã cử một đội phản ứng nhanh gồm các bác sĩ, nhân viên cứu hộ và chó nghiệp vụ tới Iran để tham gia tìm kiếm nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Quyết định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa người đứng đầu điện Kremlin với Bộ trưởng Sergei Shoigu.
Italy cũng đã đưa một máy bay vận tải quân sự C-130 mang theo một đơn vị chó nghiệp vụ, đội cứu hỏa và các chuyên gia cứu hộ tới Iran. Pháp cũng giúp đỡ Iran bằng một bệnh viện dã chiến. Một chiếc máy bay khác chở đầy lều bạt, chăn màn, thuốc men cùng các chuyên gia cứu hộ hôm nay cũng cất cánh từ Thổ Nhĩ Kỳ trực chỉ Iran.
Nhật Bản, quốc gia xảy ra nhiều trận động đất nhất thế giới, thì đưa sang Iran một nhóm nhân viên y tế chuyên đối phó với thảm họa cùng số thiết bị trị giá 230.000 USD. Một quốc gia châu Á khác là Trung Quốc cũng quyết định viện trợ khẩn cấp cho Iran khoản tiền 600.000 USD.
Trong khi đó, tại hiện trường vụ động đất ở tỉnh Kerman, lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm qua để tìm kiếm người sống sót. Giới chức Iran ước tính có khoảng 20.000 thiệt mạng và hơn 50.000 người khác bị thương trong thảm hoạ thiên nhiên này. Thành phố cổ Bam nằm gần tâm chấn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đêm qua, hàng chục nghìn người địa phương đã phải ngủ ngoài trời trong thời tiết băng giá. Hơn 70% nhà cửa trong thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn.
Một số bệnh viện ở Bam còn khả năng hoạt động đều đã chật cứng nạn nhân chờ cấp cứu. Nhiều người đã phải điều trị ngay ngoài trời hoặc đưa đi các thành phố khác. Nguồn cung cấp điện, nước và khí đốt ở Bam đã ngưng hoạt động nên những người may mắn không bị thương phải quây quần đốt lửa sưởi chung.
Đình Chính (theo Reuters, BBC)