"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế mọi hành động có nguy cơ đẩy bạo lực leo thang", Bộ Ngoại giao Nga hôm 8/5 cho biết. "Moskva bày tỏ quan ngại sâu sắc với diễn biến này. Chúng tôi kịch liệt lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường".
Hơn 200 dân thường Palestine và 17 cảnh sát Israel bị thương trong cuộc đụng độ tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa tối 7/5, đánh dấu một tuần bạo lực leo thang ở Jerusalem, thành phố mà cả Israel và Palestine đều tuyên bố chủ quyền.
Các cuộc đụng độ leo thang trong bối cảnh Israel hạn chế tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem trong tháng Ramadan, đe dọa trục xuất 4 gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở phía đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do thái định cư.
Nga tái khẳng định lập trường rằng "tịch thu đất đai và tài sản ở khu vực này, cũng như việc Israel định mở các khu định cư tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm phía đông Jerusalem, là vô căn cứ và vi phạm luật pháp quốc tế".
Jordan hôm nay kêu gọi Israel dừng các hành động "tấn công man rợ" nhằm vào con chiên ở nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, tuyên bố sẽ thúc giục quốc tế gây áp lực.
"Những gì mà cảnh sát Israel và các lực lượng đặc nhiệm đang làm, từ việc chống lại nhờ thờ Hồi giáo tới tấn công các tín đồ, là hành vi man rợ đáng bị bác bỏ và lên án", chính phủ Jordan tuyên bố.
Jordan mất Đông Jerusalem và khu Bờ Tây về tay Israel trong cuộc chiến tranh Arab - Israel năm 1967. Ayman Safadi, bộ trưởng Ngoại giao Jordan khẳng định sẽ bảo vệ quyền của người Palestine trước động thái trục xuất của Israel.
"Israel với tư cách là lực lượng chiếm đóng, có trách nhiệm bảo vệ quyền của người Palestine đang sinh sống trong ngôi nhà của họ", Safadi nói.
Jordan trước đó đã cung cấp giấy tờ đất đai ở Sheikh Jarrah, khu vực thuộc Đông Jerusalem cho người Palestine sinh sống ở đó. Điều này chứng minh những tuyên bố lấy lại khu đất này của Israel là vô căn cứ.
"Việc trục xuất người Palestine sống ở Sheikh Jarrah khỏi nhà là một tội ác chiến tranh", Safadi nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 8/5 gọi Israel là "nước khủng bố", sau khi cảnh sát Israel sử dụng lựu đạn gây choáng và súng cao su trong xung đột với người dân Palestine. Ông kêu gọi các quốc gia Hồi giáo và cộng đồng quốc tế cùng lên chống lại các hành động của Israel.
Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 8/5 cũng lên án kế hoạch trục xuất người Palestine của Israel. UAE, quốc gia bình thường hóa quan hệ với Israel năm ngoái, "lên án mạnh mẽ" các cuộc đụng độ và kế hoạch trục xuất, theo tuyên bố của Ngoại trưởng UAE, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Israel ngừng leo thang căng thẳng.
UAE nhấn mạnh giới chức Israel "cần đảm bảo thực thi trách nhiệm một cách phù hợp luật pháp quốc tế, đảm bảo quyền tín ngưỡng và tôn giáo của dân thường Palestine, ngăn chặn các hoạt động vi phạm tôn nghiêm của thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa".
Giáo hoàng Francis hôm nay kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Jerusalem, đề nghị các bên tìm kiếm giải pháp tôn trọng bản sắc văn hóa của Thành cổ Jerusalem.
"Bạo lực sản sinh bạo lực, hãy chấm dứt đụng độ", ông nói trước con chiên ở Quảng trường Saint Peter tại Rome.
Trước khi đụng độ xảy ra, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Israel dừng cưỡng bức trục xuất người dân Palestine ở Jerusalem, cảnh báo hành động này có thể trở thành "tội ác chiến tranh".
"Chúng tôi nhấn mạnh Đông Jerusalem vẫn là một phần của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Theo luật nhân đạo quốc tế, lực lượng chiếm đóng không thể tịch thu tài sản tư hữu trong vùng lãnh thổ chiếm đóng", phát ngôn viên cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc Rupert Colville nói hôm 7/5.
Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh cũng kêu gọi Israel ngừng xây dựng khu tái định cư ở khu vực Bờ Tây chiếm đóng.
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Israel hủy bỏ quyết định xây dựng 540 khu nhà tái định ở ở Har Homa E thuộc khu Bờ Tây chiếm đóng, ngừng thực thi chính sách mở rộng định cư trên toàn bổ vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine", các quốc gia châu Âu tuyên bố.
Hồng Hạnh (Theo Reuters/AFP)