Đan Mạch, Na Uy, Iceland thông báo tạm dừng tất cả các đợt tiêm chủng vaccine AstraZeneca như một biện pháp phòng ngừa sau khi châu Âu ghi nhận một số người bị "thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch" sau tiêm.
Trong khi đó, Italy, Estonia, Latvia, Luxembourg và Litva cũng cấm tiêm một lô vaccine một triệu liều đã được AstraZeneca chuyển tới 17 quốc gia.
Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ủng hộ tiếp tục tiêm chủng vaccine AstraZeneca, cho hay chỉ có 30 trường hợp bị đông máu trong số 5 triệu người đã tiêm ở châu Âu tới nay.
"Lợi ích của vaccine cao gấp nhiều lần nguy cơ mà nó gây ra. Có thể tiếp tục sử dụng vaccine trong lúc điều tra các trường hợp thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy tiêm vaccine gây ra tình trạng này. Biến chứng này cũng không được liệt kê là tác dụng phụ của vaccine", EMA cho hay.
AstraZeneca, công ty phát triển vaccine cùng Đại học Oxford, cho hay tính an toàn của vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng trên người, dữ liệu cho thấy nó dung nạp tốt với cơ thể người. Vaccine cũng được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và "không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vaccine".
Chính phủ Anh bảo vệ vaccine AstraZeneca, tuyên bố tiếp tục triển khai tiêm chủng. "Chúng tôi đã nói rõ rằng vaccine này an toàn và hiệu quả. Khi được đề nghị tiêm vaccine AstraZeneca, mọi người nên tự tin làm điều này", phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.
Phil Bryan, người đứng đầu cơ quan quản lý dược MHRA của Anh, cho hay chưa có bằng chứng cho thấy các ca đông máu được ghi nhận là do vaccine gây ra.
Stephen Evans, giáo sư dược tại Trường Y học Nhiệt đới và Dịch tễ London, nhận định quyết định đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca của một số nước châu Âu "là cách tiếp cận quá thận trọng chỉ dựa trên một số ca riêng lẻ ở châu Âu".
"Vấn đề của những ca phản ứng bất lợi sau khi tiêm vaccine là rất khó phân biệt đó là do vaccine hay do trùng hợp", Evans nhận định, nói thêm Covid-19 có liên quan chặt chẽ với chứng đông máu.
Vaccine Covid-19 do hãng AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford, đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Tại châu Á, Hàn Quốc khởi động chiến dịch tiêm vaccine AstraZeneca từ ngày 26/2 và tới nay đã tiêm cho khoảng 289.000 nhân viên y tế cùng bệnh nhân. Nước này đầu tháng 3 báo cáo tổng cộng 5 người tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, nhưng chưa xác nhận sự liên quan giữa các ca tử vong với biến chứng vaccine.
Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 11/3 phê chuẩn việc sử dụng vaccine AstraZeneca cho cả những người từ 65 tuổi trở lên. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho hay khuyến nghị này được đưa ra sau khi xem xét các nghiên cứu của Anh và Scotland về tính hiệu quả của vaccine trong ngăn nguy cơ nhập viện và biến chứng nghiêm trọng đối với người cao tuổi.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)