Sáng 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 9. Tham dự ngoài đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, còn có 126 nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu. Là diễn đàn mở, không gọi chỉ định, nông dân thoải mái đặt câu hỏi, không cần căn cứ vào chủ đề.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh ở Bắc Giang, cho biết để tăng giá trị cho sản xuất, sản phẩm cần gia tăng chế biến. "Chúng tôi đã chế biến sâu và thành công, năm nay doanh thu dự kiến đạt 50-60 tỷ đồng. Hiện đất nuôi trồng đã có, nhưng đất chế biến nông sản còn rất khó khăn", ông nói.
Vào khu công nghiệp sẽ mất chi phí lớn. Theo tính toán nếu thuê khoảng 10.000 m2 trong khu công nghiệp cần ít nhất 30 tỷ đồng. "Đây mới là tiền thuê đất, chưa kể tiền xây dựng", ông Hải nói, cho rằng các tỉnh cần nghĩ tới quy hoạch cụm công nghiệp cho hợp tác xã, vì như hiện nay hợp tác xã xây dựng khu chế biến trên đất thổ cư sẽ không thể vay vốn.
Nông dân Nguyễn Hữu Ánh, từ Cà Mau, nói khoảng 20 năm nay đã triển khai mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng rất hiệu quả. Khó khăn hiện nay là đất nông nghiệp 100% không được chuyển đổi mục đích sang chăn nuôi, nếu làm là bị phạt. Ông không thể mở rộng sản xuất nông nghiệp, không nuôi cá trình được.
"Một số hộ phải bỏ đất hoang, hỏi thì nông dân cho biết làm ruộng lỗ, làm mướn có lời hơn. Lý do là nuôi cá xen làm ruộng thì chuột gần ruộng phá, không cho thu nhập", ông Ánh nói.
Cùng chung chủ đề, nông dân Trần Kim Phi, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ đang nuôi cá lóc trong bể lót bạt trên vùng cát Lệ Thủy. Đây là nghề mới, tạo việc làm, thu nhập tốt. "Nói đến cồn cát, nhiều người nghĩ sẽ rộng mênh mông, muốn nuôi ở đâu thì nuôi. Nhưng thực tế chúng tôi đang gặp khó khăn về mở rộng mô hình bởi thiếu quỹ đất", ông Phi nói.
Ông Nguyễn Cường đến từ Nghệ An cũng bày tỏ cái khó của nhiều nông dân là bị vướng vào quy định đất đai. "Như gia đình tôi, thuê đất 20 năm để nuôi tôm thì làm sao dám đầu tư lâu dài. Quá hạn thuê đất rồi mà chúng tôi vẫn chưa làm được thủ tục gia hạn", ông Cường nói. Từ diễn đàn, ông mong Hội Nông dân, ngành nông nghiệp và địa phương quan tâm, có tác động giúp bà con.
Phản hồi nông dân, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói bà con "cứ làm, vấn đề nằm ở địa phương chứ không phải ở Luật". Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực, các thông tư hướng dẫn thực hiện cơ bản đã ban hành xong, nhưng địa phương chưa cụ thể hóa khiến nảy sinh vướng mắc. Luật mới đã đưa vào thuật ngữ "đất đa mục đích", có nghĩa đất nông nghiệp có thể nuôi thủy sản, chăn nuôi hay làm du lịch.
"Tôi nghĩ rằng đất đa mục đích sẽ gần như cởi trói được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai, từ vùng nuôi cá chình ở Cà Mau cho tới nuôi cá lóc ở Quảng Bình", Bộ trưởng nói, cho biết sẽ chuyển kiến nghị của nông dân tới lãnh đạo tỉnh.
Tại diễn đàn, nhiều nông dân chia sẻ những mất mát sau bão Yagi. Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ ở Quảng Ninh, cho biết bão đã cướp đi tất cả, ước tính mỗi thành viên mất 5-6 tỷ đồng. Tất cả chỉ còn đống đổ nát, hỗn độn. Để khôi phục sản xuất, bà con đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nông dân Hoàng Văn Liêm, hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thiên An ở tỉnh Yên Bái, nói mức hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do bão theo Nghị định 02/2017 là "quá thấp và không còn phù hợp với thực tế".
Chia sẻ những khó khăn với nông dân, Bộ trưởng Hoan cho biết trong tuần tới sẽ họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để bàn bạc làm sao đồng vốn hỗ sớm đến tay bà con.
Trước khi khép lại diễn đàn, Bộ trưởng Hoan nói trong phần tài liệu gửi đến nông dân đã có cài danh thiếp, nếu phần trả lời chưa đầy đủ, bà con có thể nhắn tin, gọi điện cho ông để được giải đáp thêm.
Diễn đàn Nông dân quốc gia được tổ chức lần đầu vào năm 2016. Mỗi năm diễn đàn hướng tới một chủ đề, như Nông dân Việt Nam - Từ tư duy đến hành động; Nông dân với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0; Khơi nguồn nông sản Việt; Từ EVFTA đến CPTPP: Cùng nông dân đi chợ thế giới...
Việt An