Tại Quảng Nam, chiều 11/9, chính quyền tỉnh dự kiến sơ tán khoảng 95.000 dân trước khi bão đổ bộ, trong đó 85.000 dân ở vùng ven biển, số còn lại thuộc vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi.
Huyện Nam Trà My được dự báo nằm trong khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, cần tập trung di dời dân. Hôm nay, chính quyền đã hoàn tất di dời 21 hộ với 89 nhân khẩu (thuộc 3 xã).

Cán bộ xã Phước Thành, huyện Phước Sơn đến từng nhà người dân vận động đi sơ tán trưa 11/9. Ảnh: Đắc Thành
Tương tự, huyện Phước Sơn đã di dời 278 hộ với 1.116 khẩu đến nơi trú tránh an toàn. Chủ tịch huyện, ông Lê Quang Trung cho biết xã Phước Thành đông nhất với 103 hộ (469 khẩu); Phước Kim 41 hộ với 191 khẩu;... 21 công nhân đang thi công Thủy điện Đăk Mi 2 cũng được sơ tán đến nơi an toàn.
Trận mưa, bão cuối tháng 10/2020 đã khiến 13 người chết và mất tích tại huyện nghèo này. Hàng nghìn người dân bị cô lập do sạt lở, sống cảnh thiếu lương thực. Hôm nay, chính quyền huyện đã vận chuyển 14 tấn gạo dự trữ tại các xã vùng cao. Trong đó xã Phước Lộc 5 tấn; Phước Thành 7 tấn và Phước Kim 2 tấn.
Quảng Nam khuyến cáo người dân không nên ra đường từ 20h ngày 11/9 cho đến khi bão tan. Trong cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ứng phó bão Côn Sơn, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương có cảnh báo sạt lở sớm và tính toán hỗ trợ về lâu dài cho dân có nơi tránh trú tại chỗ.
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, cho biết hôm qua đã đưa 97 đồng bào dân tộc thiểu số quê Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An... ra khỏi rừng ở khu vực xã Hoà Bắc, về ở tạm trong trường học, nhà văn hóa để tránh bão Côn Sơn.
Đây là những người đến địa phương làm thuê cho các chủ rừng trồng tràm, bị kẹt lại Đà Nẵng khi thành phố thực hiện cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16" để chống dịch Covid-19. "Chúng tôi sẽ chu cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian trú tránh bão", ông Dũng nói.

Bộ đội biên phòng Đà Nẵng tuần tra, hướng dẫn các tàu cá ngoại tỉnh vào khu vực riêng ở âu thuyền Thọ Quang để trú tránh bão. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trong hôm nay, mưa to khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng bị ngập, một tàu cá bị chìm. Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng, cho biết đã cho lực lượng khảo sát các khu vực xung yếu, thấp trũng để sẵn sàng di dời người dân ngay trong đêm nếu bão đổ bộ.
Đà Nẵng đã lên phương án sơ tán 39.000 người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng, nhà ở không an toàn đến trường học, nhà văn hóa,.. tránh bão. Trong tình hình Covid-19, nếu phải di dời dân, lãnh đạo thành phố yêu cầu thực hiện như giãn dân ở "vùng đỏ" bằng việc bố trí mỗi hộ gia đình ở một phòng để giãn cách.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho biết thành phố đang đóng âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) để chống dịch Covid-19, nhưng trước tình hình bão Côn Sơn diễn biến phức tạp, âu thuyền đã mở để đón 314 tàu cá ngoại tỉnh, với 849 ngư dân vào trú tránh tại khu vực riêng.

Công an Thừa Thiên - Huế hỗ trợ người dân gia cố lại nhà cửa, ngày 11/9. Ảnh: Võ Thạnh
Đến chiều tối nay, các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã di dời hơn 17.000 hộ dân sống ở các khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
"Mặc dù bão Côn Sơn đã giảm cấp độ so với lúc ban đầu song nguy cơ lũ lụt, lở quét dễ xảy ra ở các vùng gò đồi, thấp trũng ở huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc. Theo dự bão, hoàn lưu bão Côn Sơn sẽ gây mưa lớn ở khu vực phía nam và phía bắc tỉnh", ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nói.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh này cũng tổ chức 5 đội cơ động phản ứng nhanh để hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức lực lượng về các xã xung yếu hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Lực lượng chức năng đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào các âu thuyền trú tránh bão an toàn.
Mưa lớn kéo dài khiến hơn 100 hecta vụ lúa hè thu ở thị xã Hương Trà, TP Huế chưa thu hoạch bị ngập úng.
Tỉnh Quảng Trị yêu cầu hoàn thành sơ tán người dân trước 20h tối 11/9, không ra khỏi nhà sau 22h. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ sơ tán gần 9.000 hộ dân với 28.000 người ở 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ.
Ông Lê Quang Lam, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết do dự báo bão đổ bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, các địa phương chủ động vào tình hình mưa gió để sơ tán. "Bão không đổ bộ vào Quảng Trị nên không nhất thiết sơ tán theo kịch bản", ông nói.

Đường vào thôn Trà Văn A, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bị nước lũ đổ về gây chia cắt chiều 11/9. Ảnh: Đắc Thành
Tại cuộc họp ứng phó bão chiều 11/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết do khu vực bão đổ bộ đang có hơn 4.000 F0 nên hạn chế tối đa việc di dân khi chưa cần thiết. Trường hợp phải di dời thì cần test nhanh Covid-19 cho người dân trước khi sơ tán.
Côn Sơn là cơn bão số 5 trên biển Đông trong năm nay. Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc cho biết, chiều 11/9, tâm bão Côn Sơn cách bờ khoảng 130 km, cấp 9, có xu hướng di chuyển chậm. Trong 6-12 giờ tới, bão đi hướng Tây, có dấu hiệu suy yếu dần xuống còn cấp 8 trước khi vào đất liền.
Đắc Thành - Nguyễn Đông - Võ Thạnh - Hoàng Táo - Tất Định