Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thuỷ và lâm sản giảm mạnh nhất, lần lượt đạt 4,95 tỷ USD và 7,79 tỷ USD, giảm hơn 25% so với cùng kỳ 2022.
Trước bối cảnh khó khăn, Vinacas vừa đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm nay xuống 3,05 tỷ USD. Trước đó, hiệp hội này cũng xin hạ kim ngạch xuất khẩu từ 3,8 tỷ USD xuống 3,1 tỷ USD, theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tương tự, nhóm lâm sản dù kỳ vọng xuất khẩu thu về 18 tỷ USD, giá nguyên liệu gỗ và sản phẩm từ gỗ đang giảm mạnh nên cũng hạ mục tiêu còn 14 tỷ USD.
Với thuỷ sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đã hạ mục tiêu xuất khẩu năm nay thấp hơn nhiều so với 2022. Hai kịch bản được đưa ra. Nếu 5 tháng cuối năm, điều kiện thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15-16% so với năm 2022. Ở kịch bản kém lạc quan, xuất khẩu có thể chỉ mang về 8,5-8,7 tỷ USD.
Các nhóm ngành hạ chỉ tiêu xuất khẩu là do sức tiêu thụ hàng hoá trên toàn cầu còn nhiều bất ổn. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA cho biết mùa Thu, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ và nội thất tại thị trường Mỹ, châu Âu khá thấp. Trong khi đó, ảnh hưởng của đồng euro tăng cao khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó về nguyên liệu. Xu hướng tiêu dùng của người dân châu Âu có nhiều điều chỉnh nên nhu cầu cũng thấp hơn so với cùng kỳ.
Chia sẻ với VnExpress, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đối với hạt điều đang chậm lại. Nguồn cung nguyên liệu từ các nước châu Phi đang tiến dần đến việc tự sản xuất chế biến nhân điều. Do đó, nguồn nguyên liệu châu Phi nhập về Việt Nam thường là điều thô phẩm cấp thấp. Doanh nghiệp nhập hàng lưu kho thời gian dài sẽ ảnh hưởng chất lượng.
Với nhóm ngành thuỷ sản, các doanh nghiệp nhìn nhận đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc giảm 20-30% so với cùng kỳ 2022. Hiện, chi phí đầu vào cao, giá bán sản phẩm thấp khiến nông dân bỏ ao. Điều này khiến nguồn cung giảm, hoạt động xuất khẩu lao dốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang rà soát lại chi phí sản xuất nên không mở rộng đầu tư vào thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản khác chọn cách tìm chỗ đứng ở thị trường nội địa để giảm chi phí.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP khuyên các doanh nghiệp thủy sản cần giữ liên hệ chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, giữ được các thị trường có nhu cầu lớn. Từ nay đến cuối năm, cần quan tâm tới Trung Quốc, bởi đây là thị trường phục hồi nhanh.
VASEP cũng cho rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, được dự đoán sẽ phục hồi những tháng cuối năm khi nhu cầu dịp lễ tăng. Với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo tăng nhẹ trở lại vào đầu quý IV.
Nói tại họp báo thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khuyên các doanh nghiệp chủ động cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ vị thế cạnh tranh.
Năm nay, Bộ này kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu ngành nông nghiệp 54-55 tỷ USD có thể hoàn thành nếu hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng nửa cuối năm.
Dù chỉ còn 5 tháng, Bộ cho rằng thị trường có dấu hiệu ấm lên - châu Á ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 2,3%. Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn tới nông lâm thuỷ sản Việt Nam, đặc biệt nông sản là mặt hàng được nước này tăng mua.
Đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán SSI cho rằng các công ty kinh doanh xuất khẩu thủy sản sẽ bắt đầu ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện nửa cuối năm, nhờ chi phí nguyên liệu và vận chuyển giảm. Công ty này kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ sẽ ghi nhận mức lợi nhuận quý III giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ và tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý IV.
Thi Hà