Chiều 13/5, hàng chục người có nhà sát vách dự án tòa nhà Vinacomin 25 tầng nằm trên đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn chưa dám vào nhà. Họ sống cạnh công trình xây dựng văn phòng của Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam đang thi công phần móng.
Đêm ba hôm trước, khi mọi người đang ngủ thì nghe tiếng "rắc, rắc", nhà rung lắc dữ dội. Chưa kịp hiểu gì thì nhân viên dự án chạy sang hô hoán, nói công trình bị sụt lún, có thể bị sập, yêu cầu mọi người di tản để đảm bảo an toàn.
"Chạy ra ngoài tôi thấy đồ đạc trong nhà rơi ngổn ngang, nhiều mảng tường nứt toác, có chỗ rộng gần 10 cm", bà Năm (60 tuổi) cho biết.
Tại khuôn viên dự án xảy ra sụt lún, hàng cọc chắn quanh hố đang đúc cột móng tòa nhà bị nghiêng. Dãy nhà làm việc của đơn vị thi công, chủ đầu tư đổ sập, nhiều giấy tờ, máy móc bị nhấn chìm xuống nước. Các thanh sắt chắn ngang hố công trình bị bẻ cong. Một nửa đất nền xung quanh hố móng sụt xuống gần 1 m.
Trên đường Ung Văn Khiêm cũng xuất hiện ba vết nứt đứt đoạn kéo dài hơn 20 m. Hơn chục hộ sống đối diện đường có dấu hiệu bị ảnh hưởng, xuất hiện vết rạn.
"Tối hôm đó mọi người phải ra khỏi nhà, sống cảnh màn trời chiếu đất, không dám đi thuê cho khác ngủ vì sợ mất tài sản", bà Nguyễn Thị Lựu, 57 tuổi nói và cho biết phải vất vả lắm mới đưa được mẹ già và con gái bị bại não ra ngoài an toàn.
Trao đổi với VnExpress, ông Huỳnh Kim Bình - Phó ban chuyên trách quản lý dự án tòa nhà Vinacomin - cho biết, xảy ra sự cố, chủ đầu tư là tập đoàn Than Khoảng Sản Việt Nam cũng là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn đã chỉ đạo giải quyết vấn đề dân sinh, ổn định tình hình.
"Chúng tôi chi trả toàn bộ tiền khách sạn cho những hộ dân bị ảnh hưởng cũng như những yêu cầu chính đáng của họ. Đơn vị cố gắng giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề phát sinh và sẽ khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất”, ông Bình khẳng định.
Chủ đầu tư đề nghị địa phương can thiệp, tiết lưu toàn bộ xe tải nặng, container không chạy vào đường Ung Văn Khiêm đoạn trước công trình trong 7 ngày. Họ e ngại các xe khi lưu thông sẽ tạo ra độ rung nhất định, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình khắc phục. Chủ đầu tư đang thương lượng mức chi trả với các hộ dân yêu cầu đền bù thiệt hại do không kinh doanh được.
“Nguyên nhân có thể do những túi bùn địa chất nằm ngoài khu vực công trình bị vỡ mà mình không chủ động được. Chúng tôi đã bơm 8.000 khối cát vào hố công trình để không tiếp tục bị sụp lún, sau đó gia cố và tháo dỡ những phần hư hỏng rồi mới thi công lại.”, ông Bình nói.
Chính quyền địa phương cho biết đã tạm đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn khảo sát, tìm ra nguyên nhân cụ thể, chậm nhất là ngày 20/5. Sau đó, chủ đầu tư phải có giải pháp tổng thể cho việc thi công an toàn, đảm bảo không ảnh hưởng, lún nứt nhà dân... mới cho công trình hoạt động trở lại.
Hải Hiếu