Gần đây có nhiều vụ cho cắn trẻ con, thật đau xót. Tại sao con chó lại tấn công chủ của nó, có phải vì nó là loài hung hăng, dù qua hàng thế kỷ sống chung con người vẫn không thể xóa hết bản năng hoang dã của nó? Vậy tại sao con người lâu nay vẫn xem nó là bạn?
Trước hết, hãy phân tích tập tính của loài chó. Với con chó, chủ nhân của nó là "thánh", phần còn lại của thế giới nó không xem ra gì. Con chó có tập tính bảo vệ lãnh thổ, nơi nó ở, nó đánh dấu chủ quyền, khi có hơi người lạ xâm nhập, nó sẽ sủa to để cảnh báo, nếu bản thân nó hay chủ của nó bị đe dọa, nó sẽ tấn công.
>> Bị cha tôi giết thịt hụt, chú chó vẫn mừng rỡ
Vì tập tính này, chó được xem như linh vật giữ nhà. Không bao giờ có chuyện con chó tấn công chủ nhân của nó, dù bị hành hạ tra tấn cỡ nào. Ngoại trừ những giống cho có bản chất hung dữ và người nuôi không biết cách nuôi, cách dạy để con vật biết mình là chủ nhân của nó.
Ở nước ngoài, khi gia đình sắp có thêm thành viên mới mà nhà đã nuôi chó trưởng thành, người ta thường cho nó tiếp xúc mẹ bầu, trẻ sơ sinh, để nó đánh hơi, vuốt ve nó và nó sẽ nhận ra nó vừa có thêm một "tiểu chủ". Nếu được giáo dục tốt, con chó sẽ yêu "bé chủ" hơn con đẻ của nó. Ở Việt Nam thì khác, ngoại trừ chó cảnh đắt tiền, chó cỏ chó ta thường không được chủ quan tâm, tắm rửa vệ sinh... thế nên họ thường xua đuổi con vật, không cho nó đến gần mẹ bầu, trẻ nhỏ vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Vô hình trung, họ xác định trong đầu con vật, đứa bé chính là người lạ đang xâm nhập lãnh thổ của nó.
>> 'Ăn thịt chó không là thước đo văn minh'
Điều gì đến sẽ đến, khi trẻ con hiếu động nghịch phá con vật, nó sẽ cảm thấy bị đe dọa và cắn. Con chó đó mặc nhiên bị xem là phản chủ, số phận của nó chắc ai cũng biết nếu bạn gặp một con chó lạ ngoài đường ở nơi không phải lãnh thổ nó đã đánh dấu, nó chẳng buồn quan tâm đến bạn, trừ khi bạn khiêu khích nó. Nếu nó sủa bạn, nghỉa là bạn đang trong vùng "đánh dấu", nên hiểu và tránh đi, đừng khiêu khích bản năng của nó.
Chuyện con chó gây phiền nhiễu cho xóm làng là chuyện cơm bữa ở Việt Nam. Chung quy vì đa số chủ nhân xem con vật như nô bộc trông nhà, không bao giờ quan tâm vệ sinh, giáo dục, họ chẳng màng đến sự sống chết của nó và sẵn sàng thịt nó khi cần. Vậy thì trông mong gì họ quản lý, mua rọ mõm, hoặc giám sát con vật, không thả rông nó? Đó là sự vô ý thức đáng bị phạt nặng.
>> 'Cứ yêu chó nhưng đừng phủ nhận quyền ăn thịt chó của người khác'
Đừng góp nhặt những khiếm khuyết của con vật - nhất là khi những khiếm khuyết đó do chủ nuôi vô trách nhiệm gây ra - để phủ nhận những giá trị cao đẹp mà con vật mang lại (cảnh khuyển, chó dẫn đường người mù, chó hy sinh bảo vệ chủ...).
Cũng đừng mang vấn đề sinh tồn của nhân loại để phủ nhận cái tình người trong quan hệ chủ - vật nuôi và nghĩa cử nhân văn mà những người muốn bảo vệ vật nuôi đang làm. Cả thế giới đang lên án thói quen ăn thịt chó mèo, chỉ có người trong cuộc mới nghĩ mình đúng.
>> Quan điểm của bạn thế nào, chia sẻ bài viết tại đây.