Tôi có một nhóm bạn làm hướng dẫn viên tự do cho khách du lịch nước ngoài. Những người bạn này kể, mỗi lần dắt khách đi dạo vòng vòng quanh Sài Gòn, để thêm phần tương tác, bạn luôn hỏi khách "Ông/bà thấy Sài Gòn thế nào, có đẹp không?", "Ông bà thấy món ăn này thế nào, có ngon không?", "Ông bà thấy...", toàn những câu hỏi đòi người được hỏi phải trả lời rằng có hay không, và luôn được hướng vào lựa chọn tích cực nhất.
Tôi nhận thấy rằng có một sự thật là người Việt luôn tò mò và muốn biết xem người nước ngoài nghĩ gì về chúng ta? Đó là một ám ảnh rất lớn.
Nhiều người đang bức xúc vụ ai đó đã khắc dòng chữ "A.Hào" kèm hình trái tim lên phiến đá di tích ở Nhật Bản. Rồi nhiều người lại than "trời ơi xấu hổ quá" vì mấy cô gái Việt(?) đánh nhau giữa đường phố ở Singapore. Rồi đỉnh điểm là "tôi phẫn nộ quá, ê chề hình ảnh người Việt quá" vụ một người gốc Việt tình nghi cài kim khâu đồ vào dâu tây ở Úc.
"Người Việt ta trở nên xấu xí như vậy từ lúc nào"- nhiều người đặt câu hỏi? Tôi và nhiều người Việt đang cố gắng sống tốt mỗi ngày, đang cố gắng nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, đang cố gắng không vượt đèn đỏ, đang cố gắng không xả rác bừa bãi, đang cố gắng không làm ồn nơi công cộng... Nếu chỉ từ một vài hành động xấu xí của một vài cá nhân mà quy chụp hình ảnh người Việt, thì oan cho chúng tôi quá.
Và tôi nhận thấy rằng, mỗi lời than thở kia là một cái cớ để các bạn minh chứng với mọi người rằng tôi cũng biết bức xúc và tôi sẽ không bao giờ có hành động làm xấu hổ người Việt đâu. Tất nhiên, sau nút like, share ấy, các bạn sẽ thấy thanh thản hơn, đúng không? Nó giống như một đoạn văn hồi phổ thông mà tôi rất ấn tượng, đoạn văn mô tả Chí Phèo "vừa đi vừa chửi", "hắn chửi trời, chửi đất... nhưng tất cả dân làng Vũ Đại đều nghĩ rằng: "Chắc nó chừa mình ra".
Bức xúc, than thở là quá dễ. Cái khó là làm gì để chứng minh "đời thay đổi khi ta thay đổi".
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây