Luật Bảo hiểm xã hội điều chỉnh chính sách về hưu, tính toán lại tỷ lệ hưởng lương hưu. Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2018, thời gian đóng BHXH sẽ tăng thêm 5 năm để được hưởng mức lương hưu tối đa. Nhằm tránh chính sách này, nhiều người đã xin về hưu sớm từ hai năm nay.
Chị Lê Thanh Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là diễn viên xiếc, đóng BHXH 20 năm. Từ cuối năm 2015, chị đã xin nghỉ hưu sớm, lúc 36 tuổi. Bị nhiều chấn thương, mất sức trên 81% nên mỗi tháng chị Hà hưởng 1,8 triệu đồng, chỉ đủ trang trải một phần sinh hoạt phí.
"Biết là mức hưởng thấp sẽ rất thiệt thòi nhưng mình vẫn nghỉ, vì từ năm 2018 mỗi năm nghỉ hưu sớm trước tuổi bị giảm trừ 2% mức hưởng BHXH", chị nói.
Làm việc tại công ty truyền thông, có 20 năm đóng BHXH, chị Bùi Phương Linh (45 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tính toán nếu làm việc thêm 10 năm nữa để hưởng tối đa 75% thì lương hưu của chị được hơn 2 triệu (bởi mức đóng BHXH trên 3 triệu mỗi tháng). Chị đang tính xin nghỉ hưu sớm để kinh doanh.
"Tôi biết quỹ BHXH đang khó khăn nên phải kéo dài tuổi đóng bảo hiểm của người lao động. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng làm việc và cuộc sống của chúng tôi. Nhà nước nên kiểm tra, rà soát doanh nghiệp đóng BHXH có nghiêm túc hay không vì nhiều doanh nghiệp đóng không đúng quy định gây thất thu cho quỹ và ảnh hưởng quyền lợi người lao động. Cơ quan bảo hiểm cũng phải quản lý quỹ cho hiệu quả, không thể đổ hết lên đầu lao động", chị Phương Linh bày tỏ.
Giám đốc trung tâm giám định y tế một tỉnh phía Bắc cho hay, trước năm 2016 các ca xin giám định sức khỏe để về hưu sớm tăng đột biến. Năm 2014 có 700 ca xin giám định sức khoẻ để về hưu sớm thì một trường hợp mất sức 81%, còn lại là 61%. Năm 2015 tăng vọt lên 1.300 ca, trong đó 8 người xác định mất sức 81%. Năm 2016, số ca giảm xuống còn 300 nhưng trường hợp mất sức 81% đã tăng lên 40.
Ông phân tích, 2015 là năm trước khi chính sách có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu chưa dự kiến tăng, số năm đóng BHXH như hiện hành... nên nhiều người dù chưa đủ tuổi nhưng đủ điều kiện xin về hưu sớm. Từ năm 2016, tuổi nghỉ hưu sớm tăng thêm một tuổi (nam 51, nữ 46) nên số người làm thủ tục về hưu non lại giảm. Song độ tuổi về hưu sớm với những người mất sức 81% vẫn giữ nguyên (nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi) nên trường hợp này tăng mạnh.
Theo ông, quy định không ảnh hưởng đến công chức nhiều nhưng lại tác động lớn đến người lao động làm ở khu vực doanh nghiệp. Người xin về hưu sớm thường ở độ tuổi xấp xỉ 50, trưởng thành trong thời kỳ khó khăn, ăn uống, làm việc kham khổ, mắc nhiều bệnh như khớp, thoái hoá cột sống...
Ông Nguyễn Quang Thạch, Giám đốc Trung tâm giám định y khoa (Sở Y tế Hà Tĩnh) cho biết năm 2015, trung tâm có 771 người tới khám nghỉ hưu trước tuổi. Năm 2016 giảm xuống còn 240 người. Quý I/2017, trung tâm có 55 người tới khám.
“Những người đến giám định y khoa để nghỉ hưu trước tuổi có đầy đủ thành phần từ lao động, công chức, giáo viên… Trong đó chủ yếu là công nhân xí nghiệp, lao động trực tiếp làm công việc nặng nhọc”, ông Thạch nói.
Theo chuyên gia, người lao động cần cân nhắc thiệt hơn khi xin về hưu sớm trước năm 2018. Bởi nếu nghỉ hưu khi chưa đủ tuổi theo quy định hiện hành (nam 60, nữ 55) thì sẽ bị giảm trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu tối đa.
Cụ thể, từ năm 2016 cứ nghỉ hưu sớm trước một năm thì bị trừ mức hưởng lương hưu tương ứng 2% (trước đây là 1%). Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thêm một năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%.
Luật cũng điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động theo giám định y khoa. Từ năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi (trước đây nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi) và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Lộ trình mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam 55 tuổi và nữ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
"Luật thay đổi nhưng không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng có lợi hơn so với người về hưu sau năm này", ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nói.
Từ năm 2016, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%. Từ 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay. Hiện lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 1/1/2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm; tới 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì 30 năm như hiện nay. Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 đến 35 năm BHXH mới được hưởng 75%. |
Hoàng Phương - Đức Hùng