"Ung thư đại trực tràng đang có số ca mắc mới và tử vong đứng thứ 5 tại Việt Nam, sau ung thư gan, phổi, vú và dạ dày", TS. BS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nói tại Hội nghị phẫu thuật đại trực tràng khu vực Đông Nam Á, ngày 2/12.
Thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (GLOBOCAN 2020), mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới, trong tổng số khoảng hơn 182.000 ca ung thư. Đây là ung thư chiếm tỷ lệ cao trong các ung thư đường tiêu hóa.
Phần lớn ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ các "cục" nhỏ lành tính trong ruột gọi là polyp hoặc bướu tuyến. Theo thời gian, một vài polyp có thể hóa ác trở thành ung thư. Vì vậy, cần tầm soát các polyp có tiềm năng ác tính trước khi chúng trở thành ung thư thật sự.
Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm triệu chứng rất im lìm. Một số dấu hiệu có thể gặp là hay đau bụng ngấm ngầm, đầy bụng, thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu chảy, táo bón, tiêu chảy xen lẫn táo bón. Phân nhỏ lại, phân dính máu, tiêu ra máu. Bệnh nhân thường mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu không lý do. Nếu sờ thấy u bụng mới đi khám, thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Theo bác sĩ Trung, đến nay, nước ta vẫn chưa có chương trình tầm soát quốc gia về ung thư đại trực tràng. Nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, diễn tiến bệnh rất nặng, tiên lượng sống không cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân khi phẫu thuật chiếm trên 50%, khiến việc điều trị càng gặp nhiều khó khăn, tốn kém.
Từ đầu những năm 2000, các cơ sở y tế tại Việt Nam bắt đầu phát triển phẫu thuật nội soi đại trực tràng. Kỹ thuật ngày càng tiến bộ, với trang thiết bị hiện đại, y bác sĩ tay nghề cao, đến nay đa số bệnh nhân được phẫu thuật nội soi, có thể thực hiện ngay tại những bệnh viện tuyến dưới.
Từ năm 2015, một số bệnh viện phẫu thuật cắt đại tràng bằng robot, mang lại hiệu quả cao, an toàn hơn cho người bệnh. Việc quản lý điều trị phối hợp đa mô thức ngày càng tăng dần, với các phương thức phẫu thuật, xạ trị, can thiệp nội mạch...
Bác sĩ khuyến cáo phòng bệnh bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế dầu mỡ và thịt đỏ, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, ăn nhiều rau xanh và trái cây... Ngoài ra, cần duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh các mối nguy hiểm môi trường, tránh hóa chất... Người 40-50 tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ. Đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường, không chủ quan.
Lê Phương