Ngày 16/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, nam sinh trường Tiểu học Lê Quang Sung, sống cùng gia đình trong một hẻm nhỏ trên đường Hoàng Văn Thái; nữ sinh học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2, nhà ở hẻm đường Mẹ Suốt (cùng quận Liên Chiểu) bị nước lũ cuốn trong trận mưa đêm 14/10. Khu vực hai học sinh gặp nạn bị ngập gần 2 m, thi thể đã được tìm thấy.
Theo một số nhân chứng, nữ sinh lớp 9 trong đêm mưa lũ ở cùng bốn chị em, không có người lớn ở nhà. Khi được cứu hộ, nữ sinh này đã nhường cho ba em nhỏ ra trước, còn mình di chuyển sau, nhưng không may gặp nước chảy xiết và bị cuốn trôi.
Trước đó, Công an TP Đà Nẵng cho biết có bốn người tử nạn gồm một sinh viên bị đuối nước tại đường Mẹ Suốt; người đàn ông 58 tuổi chết đuối khi đi đánh cá; một phụ nữ ở đường Trưng Nữ Vương đuối nước tại nhà và cán bộ công an phường Thọ Quang gặp tai nạn giao thông, tử vong trên đường đi cấp cứu.
Cơn mưa lớn tối 14/10 đến rạng sáng hôm sau cũng khiến hàng tấn đất, đá theo lũ ống đổ xuống nghĩa trang Hòa Sơn (lớn nhất thành phố), vùi lấp và cuốn trôi hàng nghìn ngôi mộ. Đến nay, nhiều người chưa thể tìm thấy mộ phần người thân.
Việc khắc phục hậu quả sau trận mưa lũ lịch sử đang được các lực lượng ở Đà Nẵng triển khai. Đường đèo Hải Vân nối tỉnh Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng đã thông xe chiều nay, sau gần hai ngày công nhân sử dụng máy xúc và xe tải xử lý gần 30 điểm sạt lở.
Trong khi đó, đường lên bán đảo Sơn Trà mới xử lý bùn đất sạt lở và thông xe đến resort InterContinental. Hiện chưa thống kê được các điểm sạt lở trên bán đảo do các tuyến đường lên đỉnh đang bị chia cắt. Riêng tuyến đường Hoàng Sa dưới chân bán đảo bị nước xé toang, chưa thể khắc phục.
Các tuyến phố của Đà Nẵng đã cơ bản được dọn dẹp. Lượng rác thải của người dân là đồ hư hỏng do ngập nước tập kết dày đặc các tuyến phố. Đến tối nay các công nhân môi trường và xe chở rác vẫn tích cực thu gom. Nhiều ôtô hư hỏng hiện vẫn phải để lại ngoài đường vì các gara quá tải.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh ghi nhận hai người tử vong. Đó là ông Hồ Thiện (51 tuổi, ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) đi thăm bà con về bị lật ghe tại cổng nhà và ông Nguyễn Văn Anh (45 tuổi, ở phường Thủy Vân, TP Huế) đi lội nước bị trượt chân.
Hoàn lưu bão Sơn Ca đã gây mưa lớn cho Thừa Thiên Huế. Từ đêm 14/10 đến nay, tổng lượng mưa trung bình 500-600 mm, cá biệt Nam Đông 800 mm, Phú Lộc 752 mm. Đỉnh điểm, 2h-8h sáng 15/10, lưu lượng nước về hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương, thủy điện Hương Điền thượng nguồn sông Bồ và thủy điện Bình Điền rất lớn, 6.500-9.550 m3/s.
Nước sông lên cao cùng mưa lớn đã gây ngập hơn 19.900 nhà dân với độ sâu 0,3-0,8 m. Trong đợt lũ, hầu hết tuyến đường liên tỉnh ngập sâu, ách tắc. Hệ thống đường liên huyện, thị xã hầu hết bị ngập úng, cô lập...
Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mực nước các sông đều trên báo động 3 (mức cao nhất), sông Hương thấp hơn đỉnh lũ năm 2020 là 0,17 m, sông Bồ thấp hơn 0,24 m. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã chủ động vận hành điều tiết xả nước về hạ du với 1.500-4.000 m3/s, bảo đảm an toàn hồ và cắt giảm đỉnh lũ cho hạ du.
Hiện nay, mưa giảm, triều cửa sông giảm nên nước các sông đang xuống, nhưng còn chậm và ở trên mức báo động 2. Dự báo, ngày 17/10, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới Thừa Thiên Huế gây mưa to và giông. Khu vực đang ngập sâu nhất là các xã vùng trũng huyện Quảng Điền, Phong Điền và các phường ven sông Hương của TP Huế như Hương Vinh, Phú Mậu, Phú Thanh, Hương Vinh và phường Xuân Phú dọc sông Như Ý.
Tại Quảng Trị, mưa lũ khiến 1.300 nhà dân bị ngập 0,3-1 m, trong đó nặng nhất là huyện Hải Lăng với hơn 900 nhà. Chiều nay, nước lũ sau khi đạt đỉnh đang đứng im.
Phó chủ tịch huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra vùng ven sông, thấp trũng, có nguy cơ sạt lở đất để chủ động sơ tán dân. Huyện cũng bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục nhanh sự cố.
Hiện, nước lũ trên các sông ở Quảng Nam rút xuống dưới báo động 1, chỉ còn sông Vu Gia, huyện Đại Lộc, mực nước 7,01 m, trên báo động 1 khoảng 5 cm. Các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia điều tiết xả nước qua tràn xuống hạ du còn 500 m3/s; thủy điện sông Tranh 2 ngừng xả lũ.
Trong ngày, công nhân môi trường và người dân cùng dọn bùn đất. Cơ quan chức năng đã khắc phục đoạn bị xói lở trên quốc 14B qua xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, giúp phương tiện lưu thông được một chiều.
Trước đó, mưa lũ khiến hai em nhỏ ở huyện Tiên Phước và Đại Lộc bị đuối nước, một người bị ngã chấn thương khi dọn lũ. Ở huyện Đại Lộc - nơi có gần 2.700 nhà bị ngập dưới một mét, hơn 1.400 nhà ngập 1-3 m, nước bắt đầu rút từ tối qua nên người dân phải trắng đêm dọn dẹp. Tại TP Hội An, nước lũ gây ngập 20-50 cm một ngày đêm các tuyến đường ven sông Hoài, nay cũng đã rút.
Từ 19h ngày 13/10 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Sơn Ca, Đà Nẵng mưa phổ biến 550-600 mm, Thừa Thiên Huế 250-550 m, Quảng Nam 100-400 mm, Quảng Trị 100-300 mm.
Nhóm phóng viên