Ngày 12/6, TAND Nghệ An mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của bị cáo Lê Thị Dung, 51 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, án 5 năm tù với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo trạng, năm 2012-2017, bà Dung là giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt 45 triệu đồng.
Cụ thể, năm học 2014-2015, bà có 171 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng. Số tiền tương ứng này trong năm học 2015-2016 là hơn 13 triệu đồng.
Hôm nay, trình bày kháng cáo kêu oan, bị cáo Dung cho rằng việc cáo buộc chiếm đoạt 45 triệu đồng là chưa chính xác do những khoản chi này nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Bà làm đúng quy định, bởi năm 2012-2017, nội dung về chế độ tiền lương, tiền công, hỗ trợ bí thư chi bộ, làm thêm giờ, đi học, tập huấn, kiểm tra, trực hè... của quy chế có được đưa ra lấy ý kiến chung, bàn bạc toàn cơ quan.
Bị cáo nói cấp sơ thẩm căn cứ thông tư 28/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông để buộc tội là chưa đúng, vì thông tư này không áp dụng với trung tâm giáo dục thường xuyên. Bị cáo "vận dụng, tham khảo" để ban hành quy chế chi tiêu nội bộ bởi mình cũng là giáo viên.
"Tôi không chấp nhận việc HĐXX dùng từ chiếm đoạt. Suốt nhiều năm ban hành quy chế, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đều kết luận không sai, tại sao nói là chiếm đoạt", bị cáo nói. Theo bà, nếu sai, Phòng Tài chính kế hoạch huyện Hưng Nguyên, người phê duyệt kế hoạch thu chi đầu năm, người giám sát thu chi phải liên đới và chịu trách nhiệm.
Trước lời khai này, HĐXX phân tích, việc bị cáo đi học đã có học phí, công tác phí do ngân sách Nhà nước cấp nên quy đổi giờ đi học thành tiền thừa giờ là không đúng quy định. Nếu như muốn đưa vào quy chế nội bộ của Trung tâm phải có được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên thực tế Sở chưa có ý kiến về khía cạnh này.
Tay cầm tài liệu, bị cáo Dung vừa xem vừa đáp rằng giữ trọng trách giám đốc trung tâm nhưng trên thực tế vẫn là giáo viên, có quyền được hưởng tiền thừa giờ. Thời điểm bị cáo được cử đi học, các tiết trong quá trình đi học cũng phải được tính như số giờ tại thực tế nên việc chi trả tiền thừa giờ là không sai, quy đổi để tính ngày đi làm. Số tiền 45 triệu đồng "không phải là gây thiệt hại, mà đó là công sức của giám đốc nói riêng và toàn bộ giáo viên nói chung".
Được mời đến tòa, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An trình bày do lãnh đạo Sở bận làm công tác chấm thi lớp 10 nên không thể dự tòa. Vì thế vị này cho hay chỉ lắng nghe chứ không thể trả lời các ý kiến liên quan, "sẽ tiếp thu các ý kiến sau đó về xin ý kiến cấp trên rồi phản hồi sau".
Chiều cùng ngày, 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Dung thay nhau hỏi thân chủ cùng những người liên quan, với quan điểm cho rằng tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tư lợi cho cá nhân, bị cáo áp dụng "quy chế chi tiêu cho tập thể" thì việc bị quy buộc vào tội này đã chính xác chưa?
Về quyết định khởi tố bị can, trong bút lục có hai quyết định số 42 và 43. Luật sư yêu cầu làm rõ quyết định khởi tố bị cáo Dung là số bao nhiêu, luật sư thắc mắc.
Tại toà, điều tra viên thừa nhận có sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản, dẫn đến có hai quyết định trên, song cùng nội dung, không thay đổi bản chất vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát cũng thừa nhận do nhầm lẫn trong soạn thảo văn bản của cơ quan điều tra nên đã phê chuẩn.
Trước các câu hỏi của luật sư liên quan việc kiểm soát các khoản chi của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính, Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên từ chối trả lời vì đã khai trong hồ sơ vụ án.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.