Peng Minghui ở tỉnh Hà Bắc đã ký di chúc năm 26 tuổi. Là người làm trong ngành y tế, cô đã chứng kiến một ông lão trải qua 7 lần xuất huyết não. Người vợ 70 tuổi và hai con trai ngoài 40 tuổi thay nhau chăm sóc ông, kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Đến lần cuối cùng, ông lão sốt cao không giảm, nằm bất động với cơ thể chằng chịt dây truyền dịch.
"Năm ngoái tôi cũng phải chứng kiến bà nội qua đời trong cảnh tương tự", cô nói. "Với tôi, giới hạn cuối đời là không chấp nhận đặt ống hay dây truyền bởi chẳng còn chút phẩm giá".
Cô nhận ra cái chết, dẫu buồn bã với người ở lại, đôi khi lại là sự giải thoát cho người ra đi nên quyết định ký Living Will, nêu rõ mong muốn không cần điều trị kéo dài.
Yue Yajie, 34 tuổi, làm việc ở Bắc Kinh, cũng quyết định lập di chúc sau khi chứng kiến ông bà và dì ruột lần lượt qua đời trong một thời gian ngắn. Ông nội Yue mắc Alzheimer, mất khả năng nhận biết và nằm liệt giường trong thời gian dài. Còn bà nội bị xuất huyết não, phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
"Bà là người kiên cường và sạch sẽ, nhưng cuối cùng lại không thể tự quyết định cho chính mình. Tôi vô cùng đau lòng khi bà tỉnh lại trong phòng cấp cứu và đã tháo tung dây dợ trên người".
Từ trải nghiệm của bà nội, Yue đặt ra yêu cầu chi tiết trong di chúc: "Tôi muốn một môi trường cuối đời sạch sẽ. Không sử dụng máy thở hay ống ăn nếu không thể tự chăm sóc bản thân".
Sau khi hoàn tất di chúc, cô cảm thấy nhẹ nhõm, bởi ít nhất đã để lại một hướng dẫn rõ ràng cho gia đình.
Dữ liệu từ Hiệp hội Khuyến khích Di chúc Bắc Kinh cho biết đã có 50.000 người trẻ chuẩn bị cho giai đoạn cuối đời của mình. Wang Bo, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết đa phần những người trẻ này sống ở các thành phố lớn, có trình độ học vấn cao và kênh tiếp cận thông tin rộng. Bản thân Wang cũng ký di chúc này 6 năm trước, khi 38 tuổi.
"Nhiều người hiểu nhầm rằng Living Will là di chúc nhưng thực ra di chúc liên quan nhiều hơn đến phân chia tài sản và quyền thừa kế, còn 'di chúc sinh thời' chủ yếu về cách chăm sóc y tế mà bản thân mong muốn nhận được khi cuối đời", Wang giải thích.
Living Will một khái niệm đã phổ biến ở phương Tây, thể hiện mong muốn "không cần được cứu chữa và điều trị quá mức" trước khi chết. Một số người cho rằng công nghệ y học hiện đại đã cứu sống vô số mạng người, đồng thời cũng kéo dài quá trình hấp hối, gây ra đau đớn cho bản thân họ và người thân.
Đến cuối năm 2023, Trung Quốc đã có hơn 15% dân số trên 65 tuổi. Một dữ liệu khác là hơn 70% chi phí y tế của người Trung Quốc được chi cho những điều trị không hiệu quả cuối cùng.
Tháng 3/2017, nhà văn Quỳnh Dao đã viết một bức thư gửi con trai và con dâu bày tỏ ý nguyện về cái chết của mình. Bức thư đã lan truyền, giúp nhiều người Trung Quốc biết đến di chúc sinh thời.
"Dù tôi mắc bệnh gì, không làm phẫu thuật lớn; trong bất kỳ trường hợp nào, tuyệt đối không cắm ống ăn xông, không mở khí quản, ECMO... Tất cả đều không cần! Giúp tôi ra đi không đau đớn có ý nghĩa hơn là tìm mọi cách để tôi sống đau đớn!", di chúc sinh thời của Quỳnh Dao viết.
Trong thư, bà sử dụng hàng loạt dấu chấm than, bày tỏ ý nguyện mạnh mẽ của mình về "cái chết có phẩm giá". "Khi sống, tôi muốn như tia lửa, cháy sáng đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Khi chết, tôi muốn như hoa tuyết, nhẹ nhàng rơi xuống, hóa thành bụi đất!", bà nói.
Wang Bo giải thích thêm rằng "cái chết có phẩm giá" không phải là an tử, tức không có hành vi kết thúc sự sống của ai đó. "Nó không làm chết trước cũng không kéo dài, mà để cái chết đến một cách tự nhiên", Wang Bo nói.
Trong số những người ký di chúc sinh thời, người già đang nhiều lên. "Nhiều người là cha mẹ của những đứa con một, họ chủ yếu nghĩ về cách không gây phiền toái và giảm gánh nặng cho con cái", Wang Bo chia sẻ thêm.
Ít ai nhận ra rằng, cái chết tự nhiên thực sự là một quyền cá nhân. Sha Rui, 35 tuổi, một y tá có 13 năm chăm sóc bệnh nhân ung thư đã chứng kiến rất nhiều cái chết.
"Tôi từng có một bệnh nhân, bác sĩ nói đã hết cách cứu, nhưng gia đình vẫn khăng khăng phải chữa trị. Bản thân ông không muốn nhưng không thuyết phục được gia đình, cuối cùng vẫn phải trải qua tất cả đau đớn rồi mới được chết", Sha Rui kể.
Tháng 9/2018, Sha Rui ký di chúc sinh thời. Cô cho rằng cái chết không phải là chuyện của một người, mà là của cả gia đình đều phải cùng nhau đối mặt.
"Thứ chúng ta sợ không phải cái chết, mà là sự chia ly", cô nói. Nhiều lúc, không phải bệnh nhân không chấp nhận di chúc sinh thời, mà chính là người thân. Nhiều người quan niệm chỉ cần còn sống là vợ không thành góa phụ, con không mồ côi cha.
"Nhưng thực ra, yêu không đồng nghĩa với sở hữu. Tình yêu đích thực còn là có thể buông tay", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo QQ)