Gần Tết, làng nuôi gà Đông Tảo ở Khoái Châu (Hưng Yên) trở nên sôi động khi chốc chốc lại có thương lái hay các đoàn khách thăm. Anh Hào, 42 tuổi (ở Đông Anh, Hà Nội) cùng vài người bạn vượt hơn 50 km ghé vào vài hộ dân ở đây tìm mua gà. Sau cùng, anh chọn được hai con, nặng tổng cộng hơn 9 kg, với giá 300 nghìn/kg.
"Năm nay có gia đình bà chị từ nước ngoài về đón Tết. Nghĩ đủ các loại đặc sản, suy đi tính lại chỉ có ăn gà là sang và ngon nhất. Mà đây là gà tiến Vua hẳn hoi", anh Hào cười nói.
Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) là giống gà quý hiếm được nuôi nhiều đời nay ở vùng đất Khoái Châu, xưa chỉ có vua mới được thưởng thức, sau mở rộng ra là những người có tiền. Nhưng vài năm gần đây, làng đã nhân rộng gà xuất thịt để phục vụ nhu cầu của khách bình dân.
Được bạn mách, anh Hào mới biết giờ có thể mua được giống gà này chỉ hơn một triệu đồng mỗi con. "Ăn gà này thịt chắc, da giòn, ngon. Làm cả mâm sang đãi khách cũng chỉ mất 1,5 triệu đồng", anh Hào nói.
Đặc điểm giống gà này là chân to, màu hồng đỏ, 4 ngón, vẩy rồng, mào ngắn. Trong khi gà ta xịn giá chỉ 120-180 nghìn/kg, thì gà Đông Tảo được định giá theo chân, những con chân to từng được bán giá 40-50 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, giá gà Đông Tảo đã "hạ nhiệt", hàng đỉnh nhất chỉ từ 10-15 triệu đồng.
"Nếu chỉ nhìn vào giá của những con gà biếu thì người bình thường khó chạm tới. Thực tế, những con gà biếu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gà phục vụ nhu cầu thịt hàng ngày hoặc gà cúng Giao thừa mới mang đến thu nhập chính cho những hộ chăn nuôi như chúng tôi", anh Giang Tuấn Trưởng - một hộ đang có khoảng 200 con gà phục vụ Tết Kỷ Hợi - cho biết.
Trưởng giải thích, trong quá trình nuôi dưỡng, các trang trại sẽ lọc ra những con gà xấu, không đạt tiêu chuẩn nhân giống, rồi tách ra một khu chăm sóc riêng, phục vụ khách phổ thông và nhà hàng, giá ngày thường 230 nghìn/kg, ngày Tết có thể nhích lên 300-500 nghìn/kg.
"Gà này có chế độ ăn chính là ngô và thóc nảy mầm. Thông thường nuôi 7-8 tháng là chất lượng thịt đã hơn hẳn các giống gà khác. Nhưng muốn xuất bán vào Tết nên để tối thiểu 10 tháng trở lên, để gà đạt độ ngọt, giòn", anh nói
Sở dĩ những con gà quý đắt đỏ gấp nhiều lần gà thịt, bởi đây là những con đáp ứng được tiêu chuẩn nhân giống. "Những con gà quý còn được chăm sóc bằng một chế độ đặc biệt, cách vài ngày dùng nước muối ấm, hoặc nước lá trầu không để rửa chân và chải lông. Về mùa mưa phùn nồm ẩm còn phải mắc màn cho ngủ, bên ngoài đốt sưởi bằng quả bồ kết", Trưởng nói, để đảm bảo suốt quá trình nuôi gà không mắc bệnh thì sẽ cho bộ chân to nhất, dáng và lông đẹp nhất.
Lê Trung, chủ một trang trại ở đây cho biết, mỗi năm anh đều tìm kiếm trong vườn của mình một vài con gà quý nhất để nhân giống. Sau đó mới nuôi đến dòng gà biếu và sau cùng là gà xuất thịt.
Gà xuất thịt vẫn là gà Đông Tảo nhưng đời F5, F6 hoặc những con gà đời đầu nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn nhân giống bị loại ra.
Theo anh, một số khách hàng không có kinh nghiệm sẽ bị nhầm gà lai Đông Tảo, gà công nghiệp hoặc gà Từ Hồ với gà Đông Tảo thuần chủng. "Chân gà của làng chúng tôi nhích hơn tất cả các giống gà khác và có màu hồng đỏ, còn các giống gà khác thường màu vàng và chân bé hơn", anh Trung bật mí.
Vì trọng lượng gà Đông Tảo lớn, nên mỗi khi bán, anh Trung hướng dẫn khách chế biến thành các món ăn khác nhau để tận dụng tối đa mọi vị trí trên con gà.
"Hai chiếc chân là quý và bổ nhất nên làm tiềm thuốc bắc để nâng cao giá trị món ăn. Phần đùi hấp bát vị, ức có thể làm nộm, nướng lá chanh, phần lưng lọc ra xào lăn, lòng xào dứa, da nộm thính, xương để nấu canh khoai, bí, măng... Một con gà đã đủ một mâm cơm đặc sắc cho ngày Tết", anh Trung chia sẻ.
Đặc điểm giống gà này càng nuôi lâu sẽ càng bẩn. Nếu sơ chế không sạch dễ dẫn đến gà ăn có vị hoi. Anh Trung khuyến cáo, đầu tiên rửa qua gà dưới vòi nước cho sạch trước khi nhúng nước sôi. Sau khi vặt lông sạch sẽ thì rửa gà qua giấm để sạch cặn bẩn. Bước tiếp theo hun gà qua lửa để hết sạch lông tơ, cũng như mùi hôi, rồi xát chanh và rửa qua nước muối đặc thì gà sẽ sạch hoàn toàn. Từ đó, pha chế gà thành các phần khác nhau, bảo quản trong tủ lạnh trước khi nấu.
Phan Dương