Tôi đang sống và làm việc tại thành phố Newcastle, thuộc New South Wales, Úc. Đây là một thành phố nhỏ và chủ yếu là dân nhập cư da trắng, đồng thời không có nhiều người nhập cư Châu Á ở thành phố này.
Tôi làm việc tại một công ty phần mềm, ở cơ quan chỉ có tôi và một người Trung Quốc nữa là dân nhập cư Châu Á. Sau kỳ nghỉ lễ dài của công ty, một số người đã đi du lịch nước ngoài và trở về làm việc. Nhân ngày lễ Anzac (giống như ngày 27/7 ở nước ta), chúng tôi có một buổi dã ngoại liên hoan tại công viên.
Công ty có khoảng hơn 40 nhân viên tất cả các bộ phận và đều là những người rất trẻ, tuổi đời chưa quá 40. Trong khi kể chuyện về chuyến đi của mình, một nhóm người đi du lịch Việt Nam về đã kể lại cho chúng tôi nghe chuyện ăn thịt chó ở Việt Nam.
Thực ra chủ để này không có gì đáng nói vì trước khi các bạn ấy đi thì chúng tôi đã thảo luận vấn đề này rồi, nhưng sau chuyến đi, họ kết luận thêm một chi tiết mới đó là: "Chó được thịt ở Việt Nam có nhiều con bị ăn cắp từ Thái Lan, Lào, Campuchia".
Một cô bạn khác không tham gia chuyến đi đó đã hỏi: “Thế sao biết là đồ ăn cắp mà người ta vẫn ăn nhỉ?”. Một anh bạn khác đi Nhật về cùng vợ và các con đã bảo thế này: “Chắc người ta không biết chứ biết ai lại còn mua làm gì?”. Rồi anh ấy kể về việc ở Nhật người ta đang xôn xao việc nhân viên hàng không của Việt Nam tiêu thụ đồ ăn cắp và mang về nước bán.
Sau một hồi bàn tán sôi nổi, cậu bạn người Trung Quốc đã bảo: “Nói chung, dù Việt Nam hay Trung Quốc thì tôi nghĩ chắc họ cũng thích dùng những đồ đó (đồ ăn cắp) nên nó mới phát triển”.
Tôi gần như im lặng suốt buổi nói chuyện vì chẳng biết nên nói gì trong trường hợp ấy.
Tất cả những điều này đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Liệu có phải nhiều người Việt mình thích dùng đồ ăn cắp, những thứ đồ không có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng? Tôi không thể kết luận ở đây nhưng sau vài ngày suy ngẫm, tôi có vẻ đồng tình với suy diễn này của các bạn ấy.
Tôi kể vài ví dụ dẫn đến sự đồng tình của tôi. Ngày còn nhỏ, nhà tôi sống ở một vùng quê tại Hải Dương. Cứ vài tuần, thậm chí vài ngày lại có người đến nhà gọi cổng rồi bảo rằng: “Tôi làm việc trong quân đội có lấy được chiếc bạt, cuộn dây thừng, cái nồi áp suất, cái máy ảnh cơ.... của đơn vị. Gia đình có lấy tôi để lại rẻ cho?”.
Chẳng biết ở những nơi khác thế nào nhưng ở chỗ tôi thì gần như chuyện này ai cũng biết. Mẹ tôi bao giờ cũng dặn, nếu thấy ai đến nhà gạ gẫm thế thì đóng chặt cổng vào, đừng có cho người ta vào nhà. Ấy thế mà chẳng biết có ai mua không, họ vẫn cứ quay lại gọi cổng đều đều.
Khi tôi lớn lên, đi học trọ thì luôn luôn xuất hiện những tay mặt lấm mày lét đến tận cửa phòng gõ cửa rao bán nào giày, dép, kính mắt, máy ảnh, máy tính bỏ túi..." ăn cắp được" để lại rẻ cho.
Chẳng cần biết hàng đó là chất lượng hay không nhưng người bán hàng luôn luôn dựa vào chiêu hàng ăn cắp, bán giá rẻ. Vậy phải chăng người Việt ta thích dùng hàng ăn cắp?
Thiết nghĩ, các cơ quan, chính quyền, người dân nên quản lý, tuyên truyền, giáo dục lại sao cho dân ta khi tiêu thụ hàng hóa thì nên tìm đến những hàng có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, đã được kiểm định và chất lượng chứ cứ như hiện nay thì đúng là mang tiếng cho một quốc gia quá.
>> Xem thêm: Sám hối của thực tập sinh bị bắt vì ăn cắp tại Nhật