Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đào. Ảnh: Hồng Khánh. |
- Là Phó khoa Đào tạo bồi dưỡng công chức - tại chức Học viện Hành chính quốc gia, ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng hàng loạt công chức rời bỏ nhiệm sở ra làm dân?
- Hiện tượng công chức ra khỏi cơ quan nhà nước đã xảy ra từ lâu, nhưng chỉ mang tính đơn lẻ, thậm chí dị biệt. Trước đây, nhiều người muốn vào nhà nước làm việc, nên việc ra đi của một số cá nhân được coi là dị biệt.
Những tháng gần đây, hàng loạt công chức ra ngoài làm việc, tôi cho là bình thường, là hệ quả của tiến trình phát triển. Mục đích của mọi người, kể cả công chức, đều có nhu cầu sống, nhu cầu tiến bộ. Họ phải đi tìm sự sống tốt hơn, môi trường tiến bộ hơn.
- Việc công chức ra đi sẽ gây ra hệ lụy như thế nào đối với xã hội?
- Trước hết phải tìm hiểu ai ra đi, có phải là những người mà ở môi trường mới họ phát huy hết khả năng và được trả công xứng đáng? Như vậy, những người đó phải là công chức có tài. Hệ lụy trước mắt là sự ra đi của họ làm xáo trộn tổ chức. Một trưởng phòng giỏi ra đi thì toàn bộ công việc do anh đó điều hành bị đình trệ. Những vị trí phó giám đốc hay cấp vụ ra đi thì việc xáo trộn còn ghê gớm hơn. Để tìm người thay thế cần có quá trình.
Xét trên phương diện xã hội, chế độ xã hội chúng ta là chế độ xã hội công, vì nhân dân phục vụ. Bây giờ công chức giỏi ra đi thì nhà nước thiệt, nhân dân thiệt. Đây thực sự là một quá trình đấu tranh giữa "công" và "tư", nếu nhà nước không nắm bắt được thì "tư" sẽ thắng trong lĩnh vực thu hút nhân tài.
- Theo ông, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc công chức giỏi ra đi là gì?
- Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là tiền công và môi trường làm việc kém. Một vụ trưởng của Ngân hàng nhà nước ra làm trưởng phòng một ngân hàng tư nhân, lương có thể 2.000-3.000 USD, trong khi làm cho nhà nước chỉ được hơn 200 USD.
"Nhà nước không thể áp đặt và từ chối việc công chức ra đi, mà đã đến lúc phải nhìn nhận lại chính sách đãi ngộ. Giải pháp tốt nhất là trả lương xứng đáng, tạo môi trường làm việc tốt cho họ. Cũng không thể kêu gọi trách nhiệm công dân, đạo đức công vụ, bởi người ta sẽ nói ra ngoài làm thì cũng thực hiện nghĩa vụ công dân là nộp thuế. Còn đạo đức xã hội lớn nhất của con người là sống và làm việc cho xã hội, cho quốc gia, cho nhân dân, công tư không phân biệt", ông Nguyễn Ngọc Đào nói. |
Môi trường làm việc ở đây phải hiểu là cơ chế điều hành, quan hệ thủ trưởng - nhân viên, quan hệ nhân viên - nhân viên, lề lối làm việc... Nhiều người không phải vì tiền lương mà ghét lề lối làm việc của cơ quan nhà nước. Đó là lề lối làm việc thiếu trách nhiệm, không chuẩn về mặt công vụ, đố kỵ, chạy chức, chạy quyền. Có người rất tài, nhưng không đủ can đảm đánh mất phẩm giá khi phải xin chức vụ. Họ bị xúc phạm khi thấy chính quyền đưa người không đủ tài vào điều hành họ.
- Là một chuyên gia, ông đánh giá thế nào về môi trường làm việc công hiện nay?
- Chúng tôi chuyên đào tạo công chức, nhưng khi đi khảo sát thấy việc tiếp thu và triển khai thực tế của công chức chưa được bao nhiêu. Đạo đức công vụ chưa đạt. Tôi nhìn thấy ba lỗ hổng. Một là tình trạng chạy chức chạy quyền ở cơ quan công quyền không còn là cá biệt khiến những người tài chán nản. Trước đây họ không nói, nhưng bây giờ Đảng, nhà nước đã cởi mở thì họ thấy bức xúc và phản ứng bằng cách ra đi, không hợp tác.
Lỗ hổng thứ hai là đạo đức công chức, thể hiện mối quan hệ giữa thủ trưởng và nhân viên còn áp đặt, chuyên quyền. Lỗ hổng thứ ba là điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, môi trường kém. Phải hiểu rộng ra không chỉ môi trường vật chất mà là môi trường con người. Một người giỏi không bao giờ muốn làm việc với người dốt.
Ngoài ra, còn một lỗ hổng là việc trả công chưa xứng đáng. Nhưng cái này khó thật, do ngân sách có hạn.
- Nhiều năm qua, các tỉnh đã có chính sách thu hút nhân tài về làm việc. Ông nhìn nhận thế nào về việc thực hiện chính sách này?
- Thực ra việc thu hút nhân tài của ta chỉ làm hình thức. Thu hút nhân tài không phải là xin họ về làm việc, mà phải tạo điều kiện cho họ phát triển với tư cách một nhân tài. Vế thứ hai mới là quan trọng. Hiện các tỉnh đưa họ về trong khi lương vẫn thế, môi trường làm việc kém. Nhân tài phải pha nước cho các lão làng trong cơ quan uống.
Có sinh viên tốt nghiệp tâm sự với tôi: "Em là thủ khoa, muốn có điều kiện để một thủ khoa làm việc". Tôi đành phải nói với em ra làm việc ở lĩnh vực tư. Họ sẽ tạo điều kiện cho em làm việc hết mình với tư cách một quản lý. Còn nếu làm việc ở cơ quan nhà nước thì em khó có điều đó.
- Từ những phân tích trên, theo ông, giải pháp để giảm thiểu việc chảy máu chất xám từ khu vực công sang tư là gì?
- Muốn cho công chức làm việc tốt thì phải có tiền lương tốt, trước hết đủ sống. Thứ hai, nhà nước phải tạo môi trường để họ cống hiến và có cơ hội thăng tiến về học thức, kinh tế. Giải pháp thứ ba rất quan trọng là hãy xem công, tư không có sự phân biệt rạch ròi, phải đẩy mạnh sự canh tranh giữa hai khu vực. Không nên coi lĩnh vực công đứng trên lĩnh vực tư (hiện có tâm lý đó), phải bình đẳng trên phương diện nghĩa vụ quốc gia. Tôi sợ nhất chất xám chảy ra nước ngoài, còn chảy trong nước là bình thường, xã hội sẽ tự điều phối.
- Ông dự báo thế nào về tình trạng chất xám từ khu vực công chảy sang khu vực tư?
- Người tài đang khởi xướng xu hướng rời bỏ nhà nước. Những người ở lại do chưa đủ sức, chưa đủ tài, nên tạm chấp nhận mức lương và môi trường làm việc của nhà nước. Đến thời điểm nào đó, ví dụ họ chờ cơ hội được nhà nước đào tạo không mất tiền thì mới ra đi. Như vậy, rõ ràng không phải người tài mà tất cả ai không thỏa mãn với tiền công và môi trường làm việc của nhà nước đều sẽ đi.
Do đó, nếu không thay đổi cơ chế đãi ngộ, không xóa bỏ sự quá cách biệt giữa lĩnh vực công và tư thì nhà nước tiếp tục mất nhiều công chức. Ví dụ khu vực tư trả lương 100.000 đồng một giờ mà khu vực công trả 90.000 đồng thì tôi nghĩ người ta sẵn sàng nhận 90.000 đồng để làm việc cho nhà nước.
Hồng Khánh thực hiện
Người gửi: Hoa Mai
Đọc bài phỏng vấn này thật thấm thía và giải tỏa những bức xúc. Đã đến lúc nhà nước cần thay đổi quan điểm, cách thức làm việc, lương thưởng thật sự xứng đáng cho người làm công. Nếu không, trong những năm tới sẽ khó có nhiều cán bộ công chức tâm huyết trong cơ quan nhà nước.
Người gửi: Toan
Tôi là một chuyên viên, đã công tác ở một bộ gần 30 năm (ngoài hơn chục năm đi giảng dạy). Nay tôi đã về hưu. Các con tôi, tôi đều khuyên nếu làm được ở một công ty nước ngoài thì nên làm, bất đắc dĩ hãy vào cơ quan nhà nước. Làm ở cơ quan nhà nước sẽ nhiễm tính đi muộn về sớm, không được sống thẳng thắn, phải luôn nhớ "lương là phụ, lậu là chính".
Người gửi: Đặng Quyết Chiến
Đọc bài này, tôi cảm thấy rất tâm đắc và đồng ý với các nội dung đã đề cập. Tôi là một trong những người đang công tác trong khối cơ quan nhà nước.
Bài viết đã đưa ra đầy đủ những vấn đề của công chức và hệ thống qủan lý hành chính của Việt Nam. Tôi từng là một sinh viên với đầy nhiệt huyết, mong muốn cống hiến sức mình.... Khi đó, tôi hiểu nhầm là muốn trở thành người có ích thì phải công tác trong cơ quan nhà nước!
Có thể đó là hậu quả của sự giáo dục chưa chuẩn xác... Ở tỉnh tôi (Lào Cai) đã có rất nhiều bạn học của tôi rời bỏ công sở để làm việc cho khối tư nhân. Còn tôi từng chuyển nhiều cơ quan với mong muốn tìm kiếm một môi trường làm việc theo mong muốn. Nhưng kết quả thì quá tệ, ở đâu cũng vậy...