Công ty Dell Technologies công bố nghiên cứu về mức độ sẵn sàng nếu phải làm việc từ xa dài hạn với sự tham gia khảo sát của hơn 7.000 người là nhân viên tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ). Trong đó, cứ 10 người, có 8 người khẳng định đã sẵn sàng làm việc từ xa trong thời gian dài, nhưng thể hiện một số quan ngại khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xoá nhoà.
Chỉ một nửa số nhân viên được khảo sát cảm thấy chủ doanh nghiệp thật sự quan tâm trong vấn đề cung cấp nguồn lực công nghệ cần thiết để làm việc từ xa. Thử thách lớn nhất về công nghệ họ gặp phải là không ổn định về mạng, hạn chế băng thông (31%), gặp khó trong việc truy xuất nguồn tài nguyên nội bộ của công ty (29%) và phải sử dụng trang thiết bị cá nhân để phục vụ cho công việc (28%).
"Các sự kiện diễn ra năm 2020 đã hoàn toàn thay đổi cách chúng ta làm việc khi yếu tố địa điểm và thời gian không còn mang tính ràng buộc. Kết quả công việc nói lên tất cả. Sắp xếp làm việc từ xa hoặc kết hợp cả tại văn phòng và tại nhà đang dần trở thành một hiện thực mới. Việc doanh nghiệp trang bị cho nhân viên những công nghệ cần thiết cũng như hỗ trợ liên quan đến nguồn nhân lực trở nên cấp thiết", ông Jean-Guillaume Pons, Phó Chủ tịch Nhóm giải pháp cho khách hàng, khu vực APJ của Dell Technologies, chia sẻ.
Về vấn đề hỗ trợ nguồn nhân lực, thiếu giao tiếp trực tiếp là thử thách hàng đầu (41%) hay không có chỉ dẫn sử dụng công cụ ảo (39%). Các nhân viên mong muốn có các buổi đào tạo, hướng dẫn sử dụng các công cụ ảo (48%), phương pháp làm việc từ xa hiệu quả (47%) và các sáng kiến liên kết đội nhóm (46%).
"Sự sẵn sàng về công nghệ, khả năng lãnh đạo và một văn hoá vững mạnh là những yếu tố thiết yếu giúp các đội nhóm hoàn thành tốt công việc của họ", ông Pons nhận định.
Trong khi đó, ông Trần Vũ, Giám đốc Dell Technologies, nhận định công nghệ phát triển sẽ đồng nghĩa với việc con người phải thay đổi lối sống và cách thức làm việc.
"Công nghệ 5G giúp tối ưu cho xu hướng làm việc tại nhà đang dần phổ biến tại Việt Nam. Những sự đổi mới trong phương pháp làm việc dẫn đến một xu hướng văn hóa mới của nhân viên: BYOD (Bring Your Own Device – mang thiết bị cá nhân đi làm)", ông Vũ nói.
Theo ông, thời gian tới, các giải pháp an ninh mạng dành cho doanh nghiệp, thậm chí là tại nhà, sẽ tăng cao hơn. Mạng Wi-Fi tại gia khó mang tính bảo mật cao như tại văn phòng, do đó các tổ chức tại Việt Nam cần tìm hướng đi dung hòa được hai yếu tố bảo mật và linh hoạt thông qua các giải pháp đám mây kết hợp để đáp ứng nhu cầu làm việc của lực lượng lao động, mở cửa cho dịch vụ đám mây cá nhân, công cộng và đám mây biên.