Chị Vân 30 tuổi, đưa con trai 18 tháng tuổi đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám do sốt trên 39 độ kèm ho, sổ mũi, bỏ bú, quấy khóc gần 5 ngày. Một tháng trước, bé mắc cúm B, bội nhiễm viêm phế quản phổi, nằm viện điều trị 10 ngày. Lần này, chị từ Tuyên Quang đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tai giữa, tư vấn về bệnh viện tỉnh điều trị.
"Không hiểu sao đợt này con ốm liên miên, mẹ chăm sóc rất vất vả, tốn kém rất nhiều", chị Vân nói và thêm rằng muốn cho con nhập viện trung ương nhưng lúc này Hà Nội chồng quá nhiều dịch bệnh nên quá tải, sợ lây nhiễm bệnh khác, đồng ý về quê điều trị.
Còn chị Lan, 33 tuổi, ở Cầu Giấy (Hà Nội), vừa trải qua đợt sốt dài khiến cơ thể mệt mỏi, gầy đi 3 kg. Ngày đầu tiên, chị sốt cao 40 độ, đến bệnh viện xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán sốt virus, điều trị ngoại trú. Về nhà, chị kết hợp thuốc và bổ sung dinh dưỡng nhưng vẫn nhức mỏi, chán ăn, đắng miệng, mệt không nhấc nổi người. Với Lan, đây là lần ốm dai dẳng và tốn kém nhất. Trước đây, chị chỉ ốm từ ba đến 4 ngày, không cần dùng thuốc kháng sinh.
"Ở chung cư, nhiều hàng xóm của tôi cũng có biểu hiện tương tự, mọi người thắc mắc có phải do dịch cúm mới hay là hậu Covid nhưng đi khám thì hầu hết là sốt virus, còn trẻ nhỏ bị cúm A/B", chị nói.
Anh Nam 30 tuổi, là dân tập thể hình, mỗi ngày dành một đến hai tiếng tại phòng gym, ngoài ra còn chạy bộ, đá bóng ba lần một tuần, cũng không chống chọi được thời tiết này. 10 ngày trước, khi thức dậy, Nam thấy đau họng, sốt, mệt mỏi, tự test nhanh Covid nhưng kết quả âm tính. Vài ngày sau, tình trạng không cải thiện, cơ thể mệt mỏi, sợ "âm tính giả" nên đi viện kiểm tra, kết quả bị sốt virus. Tháng 10/2021, anh mắc Covid-19, triệu chứng nhẹ. Từ đó, người đàn ông luôn cảm thấy sức khỏe kém đi, thở dốc.
"Từ người không phải dùng viên thuốc kháng sinh nào, giờ cứ trở trời là sổ mũi, ho, người dặt dẹo như đi mượn dù tôi vẫn chăm chỉ tập luyện", anh nói.

Người phụ nữ đưa con đến Bệnh viện Nhi trung ương khám do sốt cao, ho nhiều ngày không khỏi. Ảnh: Thùy An
Nhiều người cho hay tình trạng ốm vặt xuất hiện từ khi nước ta quay lại với trạng thái bình thường mới, những quy định chống dịch dần nới lỏng. Lý giải tình trạng này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho rằng hai năm qua mọi người phải thực hiện giãn cách, không tụ tập đông người, bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn... nên ít mắc bệnh hô hấp. Trong môi trường này, các loại virus ít có điều kiện bùng phát.
Sau khi Covid-19 được kiểm soát, các sinh hoạt trở lại bình thường, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang, không rửa tay sát khuẩn thường xuyên..., nguy cơ mắc bệnh lớn hơn.
"Trong đại dịch, mọi người ở trong nhà nhiều, không ra ngoài, không tiếp xúc, dẫn đến khiếm khuyết hệ miễn dịch, tức hệ miễn dịch không được tập luyện để chống chọi bệnh tật. Khi cuộc sống trở lại bình thường kèm thay đổi thời tiết sẽ dễ mắc bệnh hơn", bác sĩ nói, thêm rằng bệnh sẽ tự khỏi, không nên quá lo lắng.
Mặt khác, ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang bùng phát nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi do adenovirus, RSV (virus hợp bào hô hấp)... Miền Nam ghi nhận bệnh hô hấp gia tăng do đang ở cuối mùa mưa. Bác sĩ Phan Ngọc Minh, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, cho biết từ góc độ sinh học, các virus trên đang tìm kiếm những vật chủ nhạy cảm hơn trong quần thể. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh, độ ẩm thấp, mọi người tụ tập nhiều trong phòng kín, khiến virus cúm và RSV càng có điều kiện lây lan. Sau hai năm qua, mọi người có khả năng miễn dịch kém hơn, hoặc có thể không có miễn dịch nào cả, khiến virus dễ dàng lây truyền trong môi trường lý tưởng đó.
Trong các bệnh hô hấp trên, cúm mùa khiến nhiều người sốt cao, mệt mỏi, sốt kéo dài, thậm chí đau cơ, suy kiệt..., theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM. Người bệnh chỉ cần hạ sốt giảm đau bằng thuốc, uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây, nước có chất điện giải) và không cần truyền dịch.
"Bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng ở nhóm người già, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền, trẻ nhỏ... nên tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang", phó giáo sư nói. Các biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, viêm thanh khí - phế quản, viêm phổi, nặng hơn là suy hô hấp, viêm màng não, viêm cơ tim.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết trước diễn biến "dịch chồng dịch", người bệnh cần xác định đúng nguyên nhân gây sốt để điều trị kịp thời. Sốt virus nếu không có biến chứng chỉ cần điều trị tại nhà. Khi có biểu hiện sốt cao không giảm, khó thở hoặc sau khi hết sốt nhưng cơ thể mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp... cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi, xử lý kịp thời.
Người dân thường xuyên vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Không nên tự ý mua thuốc, trích trữ và sử dụng thuốc kháng virus. Không tự truyền dịch hay xét nghiệm tại nhà, gây tốn kém và chẩn đoán sai bệnh.

Khu siêu âm Bệnh viện Nhi Trung ương đông đúc bệnh nhân, sáng 6/11. Ảnh: Thùy An
Thùy An
*Tên nhân vật được thay đổi