Thú nhồi bông là món đồ chơi gắn với trẻ em nhưng gần đây nhận sự quan tâm của người lớn. Khảo sát 2.000 người trưởng thành ở Mỹ do Build-A-Workshop thực hiện năm 2017 cho thấy 4/10 người vẫn ngủ với gấu bông mỗi đêm. Hay năm 2021, nghiên cứu của thương hiệu đồ gia dụng Hotpoint ở Anh phát hiện, 34% người trưởng thành vẫn ngủ với gấu bông, 15% nói khó ngủ nếu không có đồ chơi mềm ở bên.
Con số này sau đại dịch có xu hướng gia tăng.
Erica Kanesaka, giáo sư Đại học Emory (Mỹ), cho biết thú nhồi bông ngày càng phổ biến với người trưởng thành. "Chúng không chỉ là kỷ vật thời thơ ấu, người lớn muốn sở hữu món đồ này vì thấy thoải mái", Kanesaka nói.
Thị trường Kidult (đồ chơi cho người lớn) được cho tạo ra khoảng 9 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Squishmallows và Jellycat là hai thương hiệu thú nhồi bông phổ biến nhất hiện nay. Gen Z dẫn đầu trong việc đón nhận và sử dụng "đồ chơi lông lá", tiếp đến là Gen Y. Khoảng 65% khách hàng của Squishmallows ở độ tuổi từ 18-24.
Nhiều ý kiến cho rằng sự phổ biến của thú nhồi bông một phần đến từ mạng xã hội, nơi sự dễ thương và hoài niệm lên ngôi. Thậm chí những nhân vật kawaii Nhật Bản nổi tiếng toàn cầu như Hello Kitty và Pikachu cũng góp phần lớn vào xu hướng này.
Tuy nhiên số khác cho rằng sự mong manh của thế hệ trẻ đang tạo điều kiện để hồi sinh thú nhồi bông. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, nhiều người tìm đến đồ chơi tuổi thơ này để xoa dịu trạng thái căng thẳng, cô đơn và bất ổn.
Simon May, giáo sư triết học tại King's College London (Anh) nói rằng đại dịch không phải lý do duy nhất khiến người lớn chuộng gấu bông. Sự căng thẳng và áp lực vốn luôn tồn tại trong cuộc sống.
"Trào lưu trên đến từ mong muốn xóa bỏ ranh giới giữa tuổi thơ và trưởng thành", May nói.
Gần đây, trẻ nhỏ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những nội dung trên mạng xã hội. Chúng được tiếp cận mọi thứ đang diễn ra trên thế giới ngay từ nhỏ. Trong khi người trưởng thành muốn tìm về những ký ức tuổi thơ để tìm sự bình yên. Do đó, trong khi tuổi thơ được "người lớn hóa" thì tuổi trưởng thành lại "trẻ con hóa".
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Phát triển người lớn đầu năm 2024 phát hiện những người trưởng thành từ 18 đến 30 tuổi có quan điểm tiêu cực nhất về tuổi trưởng thành. Một trong những nguyên nhân là do áp lực kết hôn, thành đạt, công việc ổn định đã tạo ra sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế. Điều này có thể khiến một bộ phận người lớn gặp tổn thương tâm lý.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết "Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ đang đau khổ". Khái niệm "đứa trẻ bên trong" lần đầu được nhà tâm lý học Carl Jung giới thiệu đến công chúng và dần trở thành thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực tâm lý.
Ngày nay nhiều người dần ý thức hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc và bảo vệ "đứa trẻ bên trong". Như trên TikTok, một xu hướng từng nhận sự quan tâm liên quan đến câu nói "khi tôi đối xử tệ với chính mình, chính là tôi đang đối xử tệ với người xung quanh".
Do vậy, sở hữu thú nhồi bông cũng là một trong những cách người trưởng thành cảm nhận sự an ủi trong tâm hồn.
Theo giáo sư Erica Kanesaka, sở thích sưu tầm thú nhồi bông đang góp phần tái định nghĩa khái niệm "người lớn" trong xã hội. Trưởng thành không có nghĩa chỉ biết làm các thủ tục thuế, uống rượu, cống hiến cho công việc hay luôn phải mạnh mẽ.
"Và việc sở hữu thú nhồi bông có thể giúp quá trình trưởng thành trở nên nhẹ nhàng, dịu dàng hơn", vị giáo sư nói.
Minh Phương (Theo Atlantic, Guardian)