"Lúc nào tôi cũng trong tâm trạng lo sợ vì không biết có ai trong gia đình mình không may nhiễm Covid-19 không. Virus biến đổi khó lường mà thông tin dịch bệnh thì lan tràn. Hai đứa nhỏ nghỉ học, ru rú trong nhà, không được đến trường gặp bạn bè cũng không thể ra ngoài vui chơi. Vợ chồng tôi phải vừa làm việc online vừa tranh thủ đảo mắt đến con. Bố mẹ đẻ thì đã già nhưng tôi cũng không thể đến thăm nom, chỉ hàng ngày liên lạc qua điện thoại. Khoảng thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh thực sự rất buồn chán và đáng sợ", chị Hòa, ở quận 4, TPHCM chia sẻ.
Chị Minh Hạnh, ở Hà Nội, lại có thêm nỗi lo khác khi cậu con trai đang học tiểu học phải học online.
"Kiến thức của con mình cũng chưa cập nhật được nhiều để kèm cặp nên con học tốt hay không tốt mình cũng không biết. Kiến thức đã khó tiếp thu mà việc giao tiếp của trẻ cũng bị hạn chế hơn", chị Hạnh cho hay. "Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi là vấn đề về kinh tế. Khi làm thì mức lương của tôi khá tốt nhưng vì dịch dã làm ăn khó khăn, công ty cắt giảm lương, chỉ còn 5 triệu/tháng, tôi phải cân đong tính toán để ổn định mức sống của gia đình. Trong khi đó, dịch bệnh cũng gây thiếu nguồn thực phẩm hoặc thực phẩm bị đầu cơ đẩy giá".
Theo khảo sát được công bố tại Diễn đàn trực tuyến "Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn trong giai đoạn Khủng hoảng" diễn ra đầu tháng 12 của Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, khiến nhiều người bị căng thẳng, lo âu do thất nghiệp hoặc lo sợ dịch bệnh.
PGS.TS. Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Tâm lý thuộc trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã thực hiện về Đánh giá ảnh hưởng tâm lý của đợt giãn cách xã hội đầu tháng 4/2020 trên 1.423 người trưởng thành. Trong đó 16,4% người tham gia có mức độ triệu chứng căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở mức độ thấp, 5,3% mức độ trung bình, 5,4% ở mức độ cao. Những người là nữ giới, trên 44 tuổi, có nhiều con trong gia đình, thất nghiệp hoặc tự kinh doanh, từng chạm vào những vật lây truyền virus có xu hướng sang chấn cao hơn.
Bà Tô Thị Hạnh, Trưởng nhóm Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về Sang chấn của Hagar Quốc tế tại Việt Nam, cho hay sự đe dọa của dịch bệnh đến sức khỏe và việc liên tục đối mặt với mất mát (về con người hay công việc) cùng sự hạn chế kết nối xã hội đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của con người. Ảnh hưởng của dịch bệnh có thể dẫn đến căng thẳng cấp tính, căng thẳng mãn tính, kiệt sức, sang chấn độc hại, sang chấn lây lan hoặc kích hoạt tái sang chấn.
Trước tình trạng này, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tổ chức diễn đàn trên nhằm chia sẻ hiểu biết về sang chấn và lan tỏa phương pháp tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng sang chấn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn biến chuyển phức tạp. Đồng thời, Hagar mong muốn thúc đẩy cộng đồng được hàn gắn và tránh ảnh hưởng của sang chấn do nạn mua bán người, xâm hại và bạo lực trên cơ sở giới gây ra.
Theo bà Hạnh, hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn là phương pháp cung cấp dịch vụ hỗ trợ tập trung vào điểm mạnh của cá nhân, thúc đẩy việc đảm bảo an toàn về thể chất, tâm lý cho người trải qua sang chấn và người trợ giúp, qua đó tạo cơ hội để cá nhân tái thiết lại khả năng tự kiểm soát, tự tin và tự chủ. Cách tiếp cận này dựa trên những nghiên cứu có bằng chứng về ảnh hưởng của sang chấn lên con người.
Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn được thực hiện dựa trên nguyên tắc 4N:
- Nhận diện sự ảnh hưởng rộng rãi của sang chấn và hành trình chữa lành
- Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của sang chấn
- Nhạy cảm trong ứng xử thông qua việc lồng ghép hiểu biết về sang chấn trong chính sách, quy trình và thực hành
- Ngăn ngừa tái sang chấn
Trong giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh, Hagar Quốc tế tại Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn để giúp cho các cá nhân đạt được an toàn về thể chất và tinh thần. 745 người được hỗ trợ kinh tế và thực phẩm, 1.500 người dân được nâng cao nhận thức về an toàn sau Covid-19, 6 bồn rửa tay được xây dựng tại các trường học ở vùng sâu nhằm giúp học sinh dễ dàng tiếp cận vệ sinh. Các thành viên của Hagar Quốc tế tại Việt Nam cũng giúp các cá nhân gặp phải sang chấn tâm lý củng cố các kết nối xã hội bằng gặp mặt check in, trò chuyện với những người yêu thương, hướng dẫn họ thực hành chăm sóc bản thân.
Hagar là tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập năm 1994 để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương sau cuộc nội chiến ở Campuchia. Năm 2008, Hagar bắt đầu hoạt động ở Afghanistan để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em chịu bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người. Năm sau đó, Hagar Quốc tế tại Việt Nam được thành lập để cung cấp dịch vụ chăm sóc và bảo vệ cho phụ nữ từng trải qua bạo lực và xâm hại.
Bà Carol Mortensen, Giám đốc điều hành của Hagar Việt Nam, cho hay tổ chức đã đồng hành với nhiều cá nhân trải qua sang chấn, giúp họ phục hồi và làm chủ cuộc sống của mình. Một số người đang tham gia các lớp học nghề hoặc các giảng đường đại học, số khác đang theo đuổi công bằng pháp lý. 100% mọi người đều được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ xã hội toàn diện. Đó có thể bao gồm nơi ở an toàn, hỗ trợ khẩn cấp, dịch vụ y tế, giáo dục, tham vấn tâm lý, kỹ năng sống, sinh kế bền vững hay hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
"Dựa trên kinh nghiệm tại Việt Nam với vai trò tổ chức chuyên sâu về Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, mục tiêu quan trọng và ưu tiên hàng đầu của tổ chức là cam kết cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội dựa trên hiểu biết về sang chấn không chỉ riêng với những người đang chịu ảnh hưởng do bạo lực, xâm hại hay mua bán, mà đồng thời tới các tổ chức, cơ quan xã hội đang cùng chung tay hỗ trợ họ như Hagar".
Anh Ngọc