Chiều 8/4, một tuần sau chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng và lãnh đạo Hà Nội yêu cầu chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, nhiều người dân thành phố vẫn tìm đến các công viên (đã đóng cửa) và khu vực thông thoáng để tập thể dục.
Tại công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), đơn vị quản lý dán thông báo tạm thời đóng cửa vì dịch bệnh. Tuy nhiên, một số người dân trèo rào để vào bên trong; công an phường Trần Nhân Tông liên tục đi tuần tra, nhắc nhở mọi người về nhà.
Trên vỉa hè quanh công viên từ đường Lê Duẩn, Đại Cồ Việt, Trần Nhân Tông, hàng trăm lượt người vẫn chạy bộ, dắt chó đi dạo.
Đeo khẩu trang, khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, anh Đỗ Minh Trung (27 tuổi, ở phố Lê Thanh Nghị, Hai Ba Trưng) cho biết đang được công ty cho làm online. Đây là ngày đầu tiên kể từ khi "cách ly xã hội" anh ra ngoài tập thể dục.
"Ở nhà mấy ngày tôi cảm thấy căng thẳng, muốn đi ra gần công viên hít thở không khí cho thoải mái. Tôi đi một mình trong khoảng 15 phút nên không ảnh hưởng đến ai", anh Trung chia sẻ.
Quanh hồ Nam Đồng (Đống Đa), bốn tấm bạt lớn dán thông báo người dân không được tập thể dục và tụ tập đông người. Nhưng gần đó, các thiết bị, máy tập thể dục công cộng đều kín người. Vỉa hè quanh hồ, trên đường Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước và Đặng Văn Ngữ, hàng chục người dân nhiều lứa tuổi chạy, đi bộ, đứng trò chuyện.
Ông Trần Thanh Phong (60 tuổi, phố Đặng Văn Ngữ) đi bộ sát mép hồ để tránh người xung quanh. Ông cho biết hai ngày gần đây, lượng người đổ ra khu vực hồ Nam Đông tăng dần.
"Tôi vẫn biết người cao tuổi không nên ra khỏi nhà. Nhưng cả ngày loanh quanh khiến tôi rất mệt mỏi, ăn uống kém, khó ngủ. Đi bộ một lúc buổi chiều có lẽ sẽ tốt hơn", ông Phong nói.
Tại công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy), hàng trăm người đi tập thể dục trên các con đường bao quanh công viên. Những người này đều đeo khẩu trang và đi cách xa nhau. Cách cổng công viên Nghĩa Đô khoảng 30 m, một nhóm bốn người chơi đá cầu.
Ông Nguyễn Nhật Chiều (80 tuổi, ở khu Nghĩa Đô) cho biết ủng hộ chỉ thị của Chính phủ về cách ly xã hội, tuy nhiên bản thân nhận thấy vẫn có cách để ra ngoài tập thể dục và đảm bảo an toàn. "Nếu như đợt trước tôi hay ngồi nói chuyện, đánh cờ với các cụ thì bây giờ chỉ đi bộ. Tôi cũng không đi gần ai quá và đeo khẩu trang", ông Chiều nói và cho biết cứ hai ngày lại đi tập thể dục một lần để duy trì sức khoẻ.
Hai bên đường dọc bờ sông Tô Lịch, đoạn qua các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân cũng có nhiều người đi bộ vào chiều tối. Chị Thu Trang, nhà ở đường Nguyễn Khang nói ở trong nhà nhiều cảm thấy bí bách nên buổi chiều cố gắng ra ngoài vài chục phút.
"Trước mấy chị em hay túm lại vừa tập thể thao vừa nói chuyện thì giờ ra tập cho giãn gân cốt với hít thở không khí rồi về", chị nói.
Vườn hoa Hà Đông (quận Hà Đông) được nhà chức trách căng dây xung quanh, cứ 30 m lại có lực lượng chức năng đứng gác, nhắc nhở người dân không tập thể dục.
Tuy nhiên, cách đó khoảng 500 m, đối diện bên kia đường nhiều người vẫn đi tản bộ. Anh Trần Văn Long (36 tuổi) chia sẻ trước đây mỗi ngày dành ra khoảng một tiếng để tập thể dục nhưng từ khi có dịch đã rút đi một nửa thời gian. "Ngày trước tôi hay chạy quanh vườn hoa vì nhiều cây xanh thoáng mát, mấy hôm nay vườn hoa đóng cửa nên đành chạy trên vỉa hè", anh Long nói.
Tại cuộc giao ban trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 cùa thành phố Hà Nội ngày 8/4, ông Ngô Văn Quý- Phó chủ tịch UBND TP, đánh giá những ngày đầu thực hiện chỉ thị cách ly xã hội "người dân thực hiện khá tốt, song những ngày gần đây, tôi thấy người dân ra đường và vào các khu công cộng đông hơn". Do vậy, ông Quý đề nghị các quận, huyện tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP, cũng yêu cầu các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý những cơ sở mở cửa bán hàng không thiết yếu, những người ra đường không đeo khẩu trang... "Hiện nay, theo một số thông tin, người dân ra đường và đi tập thể dục đông hơn. Nếu như vậy, rất dễ rơi vào trường hợp như Singapore, đến nay họ phải ra lệnh đóng cửa để ngăn nCoV lây lan", ông Chung nói.
Trước đó, ông Chung đã yêu cầu xử phạt hành chính công dân ra ngoài đường không vì lý do thiết yếu.
Tất Định - Gia Chính - Võ Hải