Dạo này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta hay nhắc đến giá nhà đất tại Hà Nội thuộc dạng cao của thế giới, nếu xét về mức thu nhập thì đang thuộc hàng đầu thế giới.
Nhìn lại, thì quả là đúng thật. Mỗi mét vuông nhà mặt phố hay các khu chia lô, biệt thự có giá từ 70 triệu cho đến 700 triệu, thậm chí gần 1 tỷ đồng. Vậy, với hàng trăm km đường nội đô cộng với hàng chục khu chia lô của Hà Nội thì ta mới thấy lượng người có số tiền từ 5 tỷ đến hàng trăm tỷ nhiều thế nào. Ở đây ta mới chỉ xét đến giá trị về đất đai.
Trong số những người sở hữu các vị trí đất đai có giá trị trên thì chỉ một số ít họ thực sự là người giàu, họ giàu từ cách sử dụng các phương tiện đi lai, các chuyến nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, cách họ tiêu tiền … Còn số còn lại, nhiều hơn, sở hữu nhiều đất đai nhất và giá trị tài sản rất lớn thì chúng ta xét xem họ đã thực sự giàu chưa?
Một lần, tôi có đến một nhà anh bạn trên phố cổ, căn nhà của anh đã có lúc được trả đến 1000 cây vàng, nhưng anh không bán, nhà chỉ 4 người, bố mẹ và vợ chồng anh ấy. Các cụ đã hơn 70 tuổi cả rồi, hàng ngày vẫn phải leo trèo lên cái gác xép nhỏ để ở. Vợ chồng anh ở bên dưới, chồng đi làm, vợ ở nhà mở hàng nước bán, còn 1 ít đất thì cho thuê, cuộc sống cứ thế trôi đi.
Tuy sống trên một đống tài sản đấy, nhưng cuộc sống thì vẫn đạm bạc, các chuyến đi chơi cũng chỉ đến biển Cửa Lò (Nghệ An) là hết, nhà anh có thời gian còn nuôi cả lợn.
Một lần khác, đến nhà một anh bạn, anh có 1 căn phòng nhỏ ở trong một tòa biệt thự cũ của Pháp, căn phòng chỉ khoảng 20m2. Có người muốn mua gom cả khu biệt thự đó, nên đã trả anh số tiền khoảng 5 tỷ đồng, nhưng anh vẫn không đồng ý và cũng không có ý định rời bỏ căn phòng đó. Dù nó rất chật chội, anh vẫn sống một cuộc sống bình thường, là nhân viên của một công ty với mức lương khoảng 5 triệu đồng.
Còn biết bao căn nhà mặt phố khác, các căn nhà chia lô khác, khi mà chủ nhân của ngôi nhà đó đang sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ đồng, nhưng đó là một khối tài sản chết, có chăng nó chỉ đem lại một chút rất nhỏ thu nhập so với giá trị tài sản đó.
Họ vẫn sống một cuộc sống bình thường, họ không dám tận hưởng cuộc sống này, họ luôn lo cho một tương lai trước mắt, họ nhịn ăn, nhịn tiêu, chắt chiu từng đồng.
Họ không dám bán căn nhà đó, hay cho thuê toàn bộ ngôi nhà để có thể có một tương lai tốt hơn với mình, vì xét cho cùng, nếu họ bán nó đi thì chắc chắn họ sẽ được hưởng một cuộc sống tốt hơn, số tiền mà họ thu được có thể mua một căn nhà khác phù hợp hơn. Số tiền còn lại họ có thể đầu tư, kinh doanh, hoặc chỉ cần gửi tiết kiệm cũng được.
Và nếu họ dám bán những căn nhà đó thì mới làm cho giá nhà đất ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh giảm đi được. Nó sẽ kích thích kinh tế phát triển, nhà nước thì có điều kiện để phát triển giao thông hơn, chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn.
Nguyễn Song Toàn