Đầu giờ chiều 17/4, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, vẫn còn đông trẻ nhỏ chờ khám chữa bệnh. Liên tục quạt mát và dỗ dành cháu nội (5 tuổi), chị Nguyễn Khoai Em cho biết thời tiết nắng nóng khiến cháu sốt cao, ho và nôn ói gần ba ngày. Đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đường hô hấp.
"TP HCM ngày càng nắng nóng. Người lớn trong nhà cũng phát bệnh, nói chi đến mấy đứa nhỏ", chị Em nói.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, đang chăm sóc con trai (7 tuổi) cho biết sau khi ăn trưa về cháu than mệt, đau bụng và tiêu chảy nhiều lần. Uống thuốc tiêu hóa không đỡ, chị đưa bé từ Long An đến bệnh viện Nhi đồng 2 nhập viện để chữa trị.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong tuần giữa tháng 4, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám. Trong số này có khoảng 7% phải nhập viện nội trú.
Hiện số lượng bệnh nhi khám chữa bệnh về đường hô hấp đang đứng đầu tại bệnh viện. Trong khi đó, tay chân miệng tăng 47%, các bệnh tiêu hóa tăng từ gần 15% so với tháng trước. Nhiều trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi...
Theo bác sĩ Thu, nắng nóng và tia cực tím khiến sức đề kháng của trẻ em giảm. Tình trạng thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải, nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao khiến thực phẩm dễ ôi thiu gây bệnh tiêu hóa.
Do đó, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ uống nước lạnh và thoải mái chơi trong thời tiết nắng nóng. Tăng cường các loại nước trái cây, rau củ, bổ sung vitamin, bảo quản thực phẩm cẩn thận.
"Lưu ý nên sử dụng máy lạnh ở mức độ vừa phải, dùng quạt ở mức thấp. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột do tắm ngay khi vừa mới đi ra ngoài, tắm nhiều lần trong ngày", bác sĩ Thu khuyến cáo.
Số bệnh nhân lớn tuổi tăng đột biến
Tại Bệnh viện Thống Nhất, số lượt bệnh nhân đến khám tăng cao trong ba ngày qua. Cụ thể, ngày 15/4 có 1.500 lượt khám, đến ngày 17/4 tăng lên hơn 2.500 lượt, chủ yếu là những người lớn tuổi.
Mệt mỏi do phải chờ tới lượt khám, bà Nguyễn Thị Nga (78 tuổi) ở TP HCM có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính than thở: "Thời tiết nóng quá, tôi tuổi cao nên không chịu nổi. Mấy ngày qua tôi bị cảm cúm, ho, mệt mỏi, khó thở, ăn uống gì cũng thấy không ngon".
Ngồi cùng bà Nga hầu hết là các bệnh nhân cao tuổi. Họ có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Một số người nhập viện vì kiệt sức do nắng nóng với triệu chứng từ nhẹ đến nặng như mệt trong người, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu...
Tương tự, số lượng bệnh nhân khám tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũng tăng gần 20% so với tháng trước. Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc bệnh viện cho biết hầu hết người bệnh lớn tuổi khám tại bệnh viện mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, tăng huyết áp, tim mạch, sốc nhiệt, các bệnh lý về khớp.
Nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu gia tăng số bệnh nhân lớn tuổi nhập viện. Sức đề kháng của họ giảm dần tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Chức năng của các cơ quan cũng yếu đi dễ chịu sự tác động của thời tiết nên nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Bác sĩ Vui khuyên người lớn tuổi nên hạn chế đi lại và làm việc vào những giờ cao điểm nắng nóng, từ 10h giờ sáng đến 4h chiều. Những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của bác sĩ.
"Khi thấy có các dấu hiệu như thân nhiệt tăng cao, tiết nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, thở dốc, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời".
TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang chịu đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ trong ngày thường xuyên 35-37 độ C. Hiện tượng bức xạ nhiệt từ ôtô, nhà cao tầng dẫn đến nhiệt độ ngoài đường có thể đạt 39-40 độ C. Trang Weather Online của Anh ghi nhận chỉ số tia cực tím tại TP HCM ngày 17/4 ở mức nguy hại là 9. Dự kiến từ ngày 18 đến 23/4, chỉ số tia UV sẽ lên đến 12, mức "nguy hại cực độ" cho da.