Sáng 11/12, tại Khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, không còn giường bệnh trống. Trong 55 bệnh nhân đang điều trị, có 15 ca thở máy không xâm nhập, số còn lại thở oxy. Theo bác sĩ Trưởng khoa Vũ Văn Thành, hai tuần qua, số bệnh nhân đến khám tăng từ 130 đến 150% so với trước, khoảng 250 đến 280 lượt một ngày.
Ông Thành lý giải, số bệnh nhân nhập viện gia tăng do nhiều tác nhân, trong đó thời tiết là một trong những yếu tố làm nặng hơn các bệnh về hô hấp như hen phế quản, co thắt phế quản mạn tính. Ngoài ra, trời lạnh cũng khiến khả năng bảo vệ tại chỗ của cơ thể bị giảm sút.
Như ông Long, 70 tuổi, mắc bệnh phổi mạn tính, thường xuyên ho, mệt mỏi. Gần đây, bệnh nhân chuyển nặng, suy hô hấp, phải vào cấp cứu và thở máy, chăm sóc tích cực.
Trường hợp khác, ông Phúc, 68 tuổi, quận Hà Đông, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 10 năm nay. Ông cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông do khó thở, ho, khạc đờm vàng. Đây là đợt thứ hai trong năm ông bị tái phát bệnh, đều do thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
Một số yếu tố nguy cơ khác như môi trường ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe, lười vận động, tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh cùng căng thẳng cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh lý.
Tương tự, tại các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh hô hấp. Trong đó, Viện đa khoa Đức Giang ghi nhận thêm nhiều ca nặng như tăng huyết áp, đột quỵ..., chủ yếu ở người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch. Theo bác sĩ, thời tiết lạnh đột ngột khiến huyết áp dễ bị biến động, do đó người cao tuổi, người có bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu... có nguy cơ mắc bệnh cao.
Không chỉ người già, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị tác động khi thời tiết thay đổi. Tại Khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng trẻ đến khám do mắc bệnh hô hấp tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng trước, khoảng 600 ca mỗi ngày. Bệnh viện đã phải mở thêm phòng khám để đáp ứng.
Còn tại Bệnh viện Hà Đông, số lượng trẻ nhập viện do mắc các bệnh mùa đông cũng tăng nhanh. Bác sĩ Vương Thị Thúy Hoài, Phó trưởng Khoa Nhi, cho biết nhiệt độ giảm sâu rất nguy hại đến sức khỏe trẻ, nhất là bé dưới hai tuổi do các em chưa biết điều chỉnh thân nhiệt phù hợp với nhiệt độ môi trường.
Trẻ có nguy cơ nhập viện do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. Một số trường hợp bị viêm mũi dị ứng, viêm họng, sốt, ho, chảy mũi, viêm mũi... Thời tiết lạnh tạo điều kiện cho virus phát triển, khiến hệ miễn dịch trẻ suy giảm, chán ăn, bỏ ăn, quấy khóc.
Đặc biệt, bác sĩ nhấn mạnh sau hai năm đại dịch, nhiều người bị "nợ miễn dịch", là hiện tượng xảy ra do con người không tiếp xúc với vi khuẩn và virus thường xuyên.
Cụ thể, ở trẻ em, miễn dịch tự nhiên hình thành sau khi tiếp xúc với virus, vi khuẩn, song khả năng này đã bị hạn chế, thậm chí dừng lại khi đại dịch bùng phát. Điều này khiến trẻ gặp phải tình trạng nợ miễn dịch hoặc thiếu kích thích miễn dịch do tiếp xúc giảm sút.
Bên cạnh đó, trẻ em nhiễm bệnh nhiều nhất vào năm hai tuổi. Đây là thời điểm hệ miễn dịch được huấn luyện, tiếp xúc với nhiều virus để trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, sau hai năm giãn cách xã hội, có rất nhiều trẻ chưa từng nhiễm bệnh.
Do đó, sau khi Covid-19 được kiểm soát, các sinh hoạt trở lại bình thường, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang, không rửa tay sát khuẩn thường xuyên..., hệ miễn dịch không được tập luyện thường xuyên nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần theo dõi và quản lý sức khỏe chặt chẽ, đặc biệt khi mắc các bệnh nền trước đó. Với các trường hợp mắc bệnh hô hấp mạn tính, cần giữ ấm cơ thể, duy trì và sử dụng đúng thuốc theo đơn đã kê. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine như cúm, phế cầu, Covid-19 để phòng tránh cơ thể nhiễm bệnh và trở nặng.
Người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài và luôn đảm bảo cơ thể được giữ ấm. Khi ngủ dậy, cần khởi động dần dần để cơ thể làm quen với môi trường. Thường xuyên vệ sinh họng và môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà để hạn chế tình trạng nhiễm trùng khi mắc bệnh. Sử dụng khẩu trang khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm.
Người dân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay dùng thuốc tại nhà khiến tình trạng nặng thêm, nguy cơ biến chứng và kháng thuốc sau này.
Thùy An - Lê Nga