Thông tin được PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch Hội đột quỵ TP Hà Nội, cho biết tại Hội nghị đột quỵ quốc tế, ngày 28/10. Đây là dịp các bác sĩ nâng cao kinh nghiệm trong phối hợp đa chuyên khoa điều trị bệnh nhân đột quỵ.
Theo PGS. Chi, cả nước có hơn 100 bệnh viện, trung tâm cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, trong đó có các bệnh viện tuyến tỉnh, đảm bảo can thiệp kịp thời cho người bệnh. Tuy nhiên, gánh nặng từ bệnh đột quỵ ở nước ta vẫn ở mức cao.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000-225.000 ca đột quỵ. Bệnh nhân ngày càng trẻ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam nhiều gấp 4 lần nữ, theo Bộ Y tế.
Đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực... Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ.
Tỷ lệ người bệnh được cấp cứu trong 6 giờ đầu còn thấp. Hơn 30% bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu trong thời gian "giờ vàng". 23% đến viện dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái tưới máu thấp, ở mức 14% - nguy cơ bị di chứng hoặc tử vong cao.
Đột quỵ não đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. Hơn 70% người sau khi đột quỵ mất khả năng lao động. Tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân đột quỵ cao hơn so với các bệnh lý khác. Bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì nguy cơ bị tàn phế cũng rất cao. Vì vậy tốt nhất là dự phòng bệnh.
"Người bệnh cần kiểm soát, xử lý các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh máu, thận, phổi và thay đổi lối sống như giảm béo phì, hạn chế sử dụng rượu bia", PGS. Chi nói.
GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, khuyến cáo đột quỵ có thể sàng lọc và phòng ngừa được. Người có tiền sử đau đầu, gia đình có người bị tai biến, người từ 40 tuổi trở lên huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch cần được sàng lọc, chụp mạch não để can thiệp kịp thời và dự phòng đột quỵ.
Triệu chứng của đột quỵ gồm tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Người bệnh đột quỵ cần được điều trị nhanh chóng tối đa, bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt là tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu. Đồng thời, bệnh nhân được điều trị phối hợp các chuyên khoa như Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, Phẫu thuật thần kinh cấp cứu cho người chảy máu não, chảy máu dưới nhện, nhồi máu diện rộng.
Lê Nga