Winston, bác sĩ tại thủ phủ Medan của tỉnh Bắc Sumatra, tự nhận là người hâm mộ Apple. Anh đang sử dụng iPhone 15 và rất mong chờ nâng cấp lên mẫu điện thoại mới được Apple ra mắt hồi tháng 9/2024.
Tuy nhiên, Winston phải từ bỏ ý định sau khi chính phủ Indonesia cấm bán iPhone 16 và Google Pixel từ cuối tháng 10/2024 vì không đáp ứng điều kiện TKDN - yêu cầu điện thoại phân phối tại nước này phải chứa ít nhất 40% linh kiện nội địa.
"Quy định của chính phủ về iPhone khiến tôi phiền toái một lần rồi, thế là quá đủ", Winston nói.
Anh từng mua iPhone từ nước ngoài rồi mang về sử dụng, lựa chọn khá phổ biến và hợp pháp tại quốc gia Đông Nam Á. "Tôi mua iPhone 11 ở Singapore vì giá rẻ hơn khoảng 250 USD so với trong nước. Vé khứ hồi đi Singapore năm 2019 chỉ khoảng 120 USD. Bạn có thể bay đến Singapore và quay về Indonesia trong cùng một ngày, rất tiết kiệm", Winston nói.
Anh sử dụng iPhone 11 mà không gặp vấn đề gì cho đến 2022, khi chính phủ ban hành quy định yêu cầu tất cả điện thoại phải được đăng ký. Dù đã đăng ký theo quy định, điện thoại của Winston bỗng mất tín hiệu và không thể kết nối mạng, kể cả khi đã đổi sim. "Tôi đến đại lý ủy quyền của Apple tại Medan vì nghĩ máy bị lỗi, nhưng họ cho biết không thể làm được gì và cũng không đưa ra lời khuyên nào", anh kể.
Winston đành bán lỗ chiếc điện thoại tại một cửa hàng ở Singapore sau đó. Chiếc iPhone 15 hiện tại của anh được mua ở một đại lý ủy quyền trong nước không gặp vấn đề này.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới với khoảng 280 triệu người, là một trong những thị trường smartphone lớn nhất với 190 triệu người dùng năm 2022.
Theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp Indonesia, nước này đã nhập khẩu 22.000 chiếc Google Pixel và 9.000 máy iPhone 16 hồi tháng 9/2024, trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Các lô hàng smartphone đến Indonesia hiện chủ yếu là thiết bị Xiaomi, Oppo, Vivo và Samsung.
"Thật đáng tiếc, iPhone rất phổ biến và có mức độ hài lòng cao tại Indonesia. Nếu iPhone 16 được bán tại đây thì thật tốt, vì nó nhận được khá nhiều sự quan tâm", Abdul Soleh, luật sư ở Medan, nói.
Khairul Mahalli, người đứng đầu Phòng Thương mại Bắc Sumatra, khẳng định TKDN có mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp nội địa, nhưng cũng có thể gây ra hệ lụy không mong muốn.
"Là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với hệ thống giao thương đa quốc gia, Indonesia bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa là hợp lý, nhưng cần có biện pháp kiểm soát và cân bằng. Một vấn đề có thể xảy ra trong tương lai là các quốc gia khác cũng có thể làm điều tương tự và không chấp nhận sản phẩm của Indonesia trên thị trường quốc tế", ông nói.
Mahalli cho rằng chính phủ cần tìm cách giảm thiểu thiệt hại cho các ngành công nghiệp trong nước mà không cấm hoàn toàn sản phẩm nước ngoài.
"Không cần cấm hàng hóa ngoại nhập, vì thị trường trong nước đủ lớn để tiếp nhận chúng", ông nói và cho rằng chính phủ Indonesia cần xem xét liệu sản xuất trong nước có đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hay không.
Tổ chức Người tiêu dùng Indonesia khuyến cáo cân nhắc kỹ trước khi mua iPhone 16, đặc biệt từ nhà bán lẻ trái phép trong nước. "Không nên mua iPhone 16 bằng mọi cách nếu nó đã bị cấm. Người dùng sẽ không được bảo vệ nếu mua sản phẩm bất hợp pháp", Rio Priambodo, quan chức của Tổ chức Người tiêu dùng Indonesia, cho hay.
Trong nỗ lực phá thế bế tắc, Apple cam kết đẩy mạnh đầu tư vào Indonesia để đổi lấy dỡ bỏ lệnh cấm. Hồi tháng 12/2024, tập đoàn Mỹ đề nghị đầu tư một tỷ USD để xây dựng nhà máy phụ kiện và linh kiện tại đây.
Tuy nhiên, theo Jakarta Post, chính phủ Indonesia đã "gửi nhiều thư mời" Apple đến gặp trực tiếp để đàm phán về khoản đầu tư này, nhưng hãng vẫn chưa cử đại diện đến trao đổi để hoàn tất thỏa thuận nhằm được bán iPhone 16 trở lại.
Trong khi đó, người hâm mộ Apple như Winston vẫn tiếp tục phải chờ đợi để sử dụng các dòng điện thoại mới nhất của Apple. "Tôi hiểu lệnh cấm có lý do chính trị. Apple không muốn đầu tư vào Indonesia, vì vậy tôi đứng về phía chính phủ", anh nói.
Điệp Anh (Theo Al Jazeera, Jakarta Post)