Thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25/5, GS Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu thực trạng lương người đi làm không đủ trang trải cuộc sống. Ông đề nghị các cơ quan xem lại nguyên tắc trả lương để người đi làm ngoài nuôi bản thân, còn nuôi được con nhỏ và cha mẹ già.
"Cần xác định rõ mục tiêu của cải cách tiền lương và Chính phủ phải sớm xây dựng lộ trình cải cách tiền lương", GS Nhân nói. Theo ông, đất nước đã thống nhất 48 năm, kinh tế đạt nhiều thành tựu, GDP bình quân đầu người đã hơn 4.000 USD mỗi năm nên mức tiền lương tối thiểu phải được tính toán đảm bảo mức sống tối thiểu.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM) cho rằng mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay khá thấp. Dù đã phân chia nghĩa vụ rõ ràng của lao động, doanh nghiệp, "nhưng đôi khi họ vẫn không đóng và cơ quan bảo hiểm cũng không làm gì được".
Theo nữ đại biểu TP HCM, thực tế, không chỉ người về hưu mà ngay cả những người đang trong độ tuổi lao động như bác sĩ, dược sĩ mới ra trường lương cũng không đủ sống. Việc cải cách tiền lương bằng cách nâng mức lương cơ bản, mỗi lần tăng thêm vài trăm nghìn cho một hệ số thì những người mới đi làm số tiền tăng lên không nhiều do hệ số thấp.
Cơ chế tăng lương bằng cách nâng lương cơ bản dẫn đến tình trạng người làm tốt, có đột phá nhưng thâm niên ít vẫn thấp hơn người đã làm lâu năm mà không xuất sắc. Đây là "bất cập của chủ nghĩa bình quân khi tăng lương", bà Lan nói, cho rằng lao động đã cống hiến cả đời, khi về hưu cần có lương đủ sống.
Ở tổ thảo luận khác, đại biểu Lê Thanh Vân (thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cũng cho rằng cải cách tiền lương là một trong những nhóm giải pháp cần sớm triển khai. Tuy nhiên, ông không đồng tình chỉ dựa vào ngân sách hoặc in thêm tiền để tăng lương do sẽ mất cân đối nền kinh tế và tiếp tay cho bộ máy quan liêu.
Ông kiến nghị cải cách tiền lương bằng tinh giản biên chế. Dù giữ nguyên tổng số tiền được hưởng nhưng giảm số người được hưởng thì thu nhập cán bộ công chức sẽ tăng lên. "Như ngày trước một tỷ chia cho 10 người thì tinh giản biên chế giảm xuống còn 5 người, tự khắc tiền lương tăng lên gấp đôi", ông nói.
Hôm 22/5, báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách người có công, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021, nhưng phải lùi do đại dịch Covid-19. Tại kỳ họp tháng 11/2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.
Nghị định năm 2004 tính lương công chức, viên chức bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng hiện hành, mức lương cao nhất của công chức (loại A1, nhóm 1, bậc 6) là 11,92 triệu đồng; mức thấp nhất (loại C, nhóm 3, bậc 1) là 2,01 triệu đồng mỗi tháng.
Từ 1/7 khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng cho lao động tại các doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng; vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Viết Tuân - Sơn Hà