Giữa trưa 2/7, hàng chục người dân ở xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) căng lều bạt bên hai con đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Khu liên hợp) để chặn xe tải chở rác ra, vào. Họ trải chiếu, mang theo mỳ tôm, lương khô ngồi ở ven đường.
Sự việc bắt đầu từ 17h chiều 1/7, khi nhóm người ở xóm Hòa Bình (thôn 2, xã Hồng Kỳ) cản trở xe rác vào cổng số một của Khu liên hợp. Các xe rác di chuyển qua cổng số 2 cũng bị một số người dân xã Nam Sơn chặn lại.
Chính quyền huyện đã đề nghị trao đổi để giải quyết nhưng người dân không đồng ý. Họ chia nhau canh suốt đêm khiến nhiều xe rác từ nội thành không thể vào bãi.
Bà Hoàng Thị Hồng, xóm 18, thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn) phản ánh, đầu năm nay, người dân được thông báo trong quý II thành phố sẽ chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng của bãi rác (bán kính 500 m tính từ hàng rào Khu liên hợp). "Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận tiền và chỉ mong sớm di dời khỏi đây", bà Hồng nói.
Ông Ngô Văn Quý (xã Hồng Kỳ) thì cho hay gia đình không đồng ý với phương án bố trí tái định cư của huyện."Khu tái định cư chỉ cách bãi rác 1.300 m lại đúng hướng gió, không khí vẫn bị ô nhiễm. Chúng tôi muốn chuyển đến nơi xa hơn", ông Quý nói.
Cũng trong sáng 2/7, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn đã tổ chức chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp (để di dời khỏi vùng ảnh hưởng của bãi rác) cho người dân xã Nam Sơn. Bà Nguyễn Thị Quý (cán bộ Trung tâm) cho biết, đơn vị sẽ chi trả cho 122 hộ dân đã được phê duyệt, với tổng số tiền 91 tỷ đồng.
"Hôm nay chúng tôi chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp. Ngoài ra, đơn vị đang làm phương án đền bù đất nhà ở, tuy nhiên việc này có vướng mắc vì người dân chưa đồng thuận giá đền bù", bà Quý thông tin.
Về việc vì sao chính quyền đã bắt đầu chi trả tiền đền bù song nhiều người dân vẫn chặn xe chở rác, ông Vũ Tiến Lực, trưởng thôn Xuân Thịnh (xã Nam Sơn) nói: "Có thể do nhiều người dân muốn được đền bù đất ở để di chuyển đi nơi khác. Hiện mới đền bù đất nông nghiệp nên người dân chưa thể di dời, do vậy họ vẫn chặn xe rác".
Ngoài ra, theo ông Lực, đa số diện tích đất nông nghiệp trong khu vực bán kính 500 m từ hàng rào bãi rác là của người dân nơi khác; dân địa phương chỉ có khoảng 1/3 diện tích đất nông nghiệp ở đây.
Trước việc xe chở rác bị chặn, ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng giám đốc Công ty môi trường đô thị Hà Nội nói, số rác chưa thể đưa vào bãi Nam Sơn thì đơn vị vẫn để lại trên xe. Công ty dự kiến sẽ đưa rác đến tạm trữ tại hai khu xử lý rác ở Cầu Diễn và Lâm Du. "Ngoài ra, trong khi chờ thông xe bãi Nam Sơn, chúng tôi đề xuất Sở Xây dựng tạm thời phân luồng, đưa rác chôn lấp tại bãi Xuân Sơn (Sơn Tây)", ông Tiến nói.
Ông Đồng Phước An - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin thêm, Sở đã hướng dẫn các quận nội thành chuẩn bị phương án tập kết, lưu chứa rác tạm thời để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Giữa tháng 1/2019, nhiều người dân hai xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã dựng lều bạt để ngăn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tình trạng này kéo dài 4 ngày khiến nhiều tuyến đường ở 12 quận Hà Nội ngập rác.
Tối 13/1, thành phố đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan về việc giải phóng mặt bằng theo chỉ giới quy hoạch bán kính 500 m quanh Khu liên hợp. Văn bản nêu, trước ngày 30/3, huyện sẽ khảo sát số lượng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, đảm bảo tiến độ trong quý II/2019.
Trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn có hơn 2.000 hộ dân, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, trong đó có đất nông nghiệp và đất nhà ở.
Thành phố đã bố trí 3 khu tái định cư. Cụ thể, đất tái định cư cho xã Nam Sơn được bố trí tại 3 khu: Các hộ dân thôn Đông Hạ dự kiến tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, song cách bãi rác khoảng 1.000 m; dân thôn Xuân Thịnh đến thôn Thanh Hà (cách bãi rác 7 km); dân thôn Xuân Bảng đến thôn Hoa Sơn (cách bãi rác 4 km).
Khu tái định cư xã Bắc Sơn bố trí ở thôn Nam Lý cùng xã, cách bãi rác 3 km.
Khu tái định cư xã Hồng Kỳ quy hoạch tại thôn 3 cùng xã, cách bãi rác khoảng 1.300 m.
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) được xây dựng từ năm 1999, có quy mô lớn nhất Hà Nội với hơn 157 ha, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83 ha, hiện đã đầy. Giai đoạn II, diện tích hơn 73 ha.
Tất Định - Gia Chính