Ông Trần Quốc 51 tuổi ở thị trấn Núi Thành cho hay, nhà ông nằm cạnh bờ sông Trường Giang, nơi có bãi cạn rộng hơn 100 ha đã nuôi sống bao thế hệ người dân địa phương nhờ nguồn lợi thuỷ sản phong phú.
Tuy nhiên, từ năm 2018, dự án đường 129 và một khu đô thị sinh thái được triển khai dọc sông Trường Giang, đoạn qua xã Tam Hiệp và thị trấn Núi Thành; hàng chục ha diện tích mặt nước dòng sông bị san lấp, bao gồm khu vực bãi cạn nêu trên.
"Chúng tôi ra ngăn cản, yêu cầu dừng thi công vì bãi cạn này là nơi mưu sinh nhiều đời nay, giờ lấp đất xuống thì người dân không có nơi để kiếm kế sinh nhai", ông Quốc nói.
Một số người dân địa phương cho hay, chính quyền đã hỗ trợ mỗi gia đình bị ảnh hưởng 2 triệu đồng, tuy nhiên họ không đồng thuận. Bởi khi lấp sông, họ không còn nơi để đánh bắt thủy hải sản và neo đậu ghe thuyền gần nhà.
Theo ông Quốc, những người phản đối dự án lấp sông kiến nghị được hỗ trợ 50 triệu đồng cho các hộ có loại ghe thuyền nhỏ, 70 triệu đồng với hộ ghe thuyền lớn hơn, để họ chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu không hỗ trợ, chính quyền có thể xây một cây cầu trên đường 129 và để lại vùng nước 5 ha để ghe thuyền ra vào neo đậu.
Cơ quan chức năng đã nhiều lần họp dân và nâng mức hỗ trợ từ 2 triệu đồng lên 7 triệu đồng, song chưa được nhiều người dân chấp thuận.
Bà Lê Thị Tuyết 73 tuổi ở thị trấn Núi Thành phản ánh, trước khi dự án đường 129 chưa triển khai, mỗi ngày bà ra sông bắt ốc đinh, hàu, sìa... cho thu nhập trung bình 300.000 đồng.
"Dự án đã lấp hết diện tích mặt nước của dòng sông, số tiền hỗ trợ 7 triệu đồng chỉ sống được một thời gian ngắn mà không thể chuyển đổi nghề nghiệp", bà nói.
Ông Phạm Hoàng Viên, xã Tam Hiệp cũng cho biết, trên địa bàn xã có 14 hộ mưu sinh trên sông Trường Giang, từ ngày dự án bắt đầu san lấp đến nay, họ không còn chỗ để ghe và đánh bắt thuỷ sản.
Ông Trương Văn Trung, Phó chủ tịch huyện Núi Thành thông tin, dự án khu đô thị dọc sông Trường Giang san lấp khoảng 20 ha, còn đường 129 khoảng 2,2 ha mặt nước.
Hai dự án ảnh hưởng đến 57 hộ làm nghề ngư nghiệp, nên chính quyền địa phương trích ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng, đơn vị thi công hỗ trợ 5 triệu đồng (tổng 7 triệu đồng mỗi hộ). Hiện 26 trường hợp đã nhận tiền, 31 hộ không đồng ý và tiếp tục phản đối thi công.
Ông Trung giải thích, mức hỗ trợ 2 triệu đồng của chính quyền địa phương thực hiện theo quy định nên không thể cao hơn. Việc người dân đề nghị hỗ trợ từ 50 đến 70 triệu đồng không nằm trong quy định nên huyện khộng thể giải quyết.
"Người dân còn đề nghị xây cầu trên đường 129 và không san lấp vùng mặt nước 5 ha để ghe thuyền đi vào neo đậu, song nội dung này không có trong quy hoạch nên huyện cũng không thể thực hiện", ông Trung nói.
Lãnh đạo huyện Núi Thành cho hay sẽ tiếp tục vận động người dân và đang nghiên cứu, kiến nghị tỉnh cùng các ngành chức năng đưa ra hướng giải quyết tiếp theo. "Dự kiến sau này chúng tôi sẽ quy hoạch một khu vực làm nơi để thuyền cho người dân ở bên kia sông", ông Trung nói.