Ngày 6/7, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc đối thoại với người dân Khánh Sơn (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để thông báo về dự án nâng cấp bãi rác trên địa bàn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn.
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin dự án trên sẽ tích hợp với dự án đốt rác sinh hoạt phát điện Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam liên doanh với Công ty Everbright International (Hồng Kông) lập đề án, công suất đốt rác 650 tấn/ngày, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.
Theo ông Hùng, do bãi rác Khánh Sơn quá ô nhiễm nên người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị thành phố di dời bãi rác; tuy nhiên nếu xây dựng bãi rác khác thì "con số 3,2 triệu tấn rác hiện tại ở Khánh Sơn sẽ không biết đi về đâu".
"Việc xây dựng một khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến sẽ giải quyết bài toán ô nhiễm ở bãi rác, đồng thời xử lý toàn bộ số rác hiện có ở Khánh Sơn", ông Hùng nói.
Ông Thân Đức Minh - Chủ tịch UBND phường Hoà Khánh Nam cho biết đã tham quan Nhà máy điện rác ở Cần Thơ (công nghệ xử lý rác mà TP Đà Nẵng dự kiến áp dụng) và cảm nhận nhà máy sạch đẹp, "không có mùi hôi dù đứng ngay cạnh".
Trong khi đó, theo vị lãnh đạo phường này, công nghệ xử lý rác ở Khánh Sơn hiện quá thô sơ, chỉ là phun chế phẩm và chôn lấp nên không khỏi ảnh hưởng đến người dân.
Sau hai phần trình bày trên, người dân Khánh Sơn đồng loạt nêu ý kiến phản đối việc xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn trên bãi rác hiện hữu.
"Nếu công nghệ không gây ô nhiễm thì thành phố đặt ở chỗ nào cũng được, không nhất thiết phải để ở Khánh Sơn nữa. Dân chúng tôi 30 năm nay chịu đựng rồi", bà Nguyễn Thị Thành nói.
Bà Hồ Thị Hiệp thì hoài nghi về năng lực của Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam, vì nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện do doanh nghiệp này vận hành "chỉ toàn là khói, không ai chịu nổi".
"Tôi đang nằm viện nhưng cũng phải xin về để đến đây nêu ý kiến. Người dân không xin gạo mà xin một hơi thở cho con cháu. Không lẽ đời cha mẹ hưởng mùi, còn đời con cháu hưởng khói?", bà Hiệp phản ứng.
Bà Nhã, một người dân sống gần bãi rác Khánh Sơn cũng cho hay, nhiều người đã tính chuyển đi nơi khác vì ô nhiễm và lo sợ bệnh tật, nhưng "đất dưới thành phố giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng một mét vuông, còn đất ở Khánh Sơn không có ai mua".
"Người dân Khánh Sơn đã thiệt đủ đường. Thành phố làm ơn đừng làm nhà máy đốt rác ở đây nữa", bà Nhã nói.
Liên quan đến việc vừa qua Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam mời một số người dân Khánh Sơn đi tham quan nhà máy điện rác ở Cần Thơ, có ý kiến tại cuộc đối thoại phản ánh "nhiều người đã từ chối lời mời vì đi về sợ dân xúc rác đổ vào nhà".
Theo ý kiến này, trong thực tế chỉ có 19 người đi Cần Thơ tham quan chứ không phải 40 người như truyền thông đưa tin. Trong buổi đối thoại, cảnh sát đã phải ngăn chặn một sự việc suýt dẫn đến ẩu đả giữa người đi tham quan nhà máy điện rác Cần Thơ với những người khác.
Kết thúc ba giờ đối thoại, ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng nói sẽ ghi nhận các ý kiến để có phương án phù hợp nhất với nguyện vọng của người dân Khánh Sơn và sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Trong khi đó, một số người dân trước khi ra về cho hay, nếu chính quyền quyết đặt Khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở Khánh Sơn, họ sẽ phản ứng bằng việc chặn xe thu gom vào bãi rác như từng làm trước đây.
Khánh Sơn là bãi rác duy nhất của Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày tiếp nhận 1.100 tấn rác sinh hoạt, chưa tính rác thải y tế và công nghiệp. Sau gần 30 năm tồn tại, đến nay bãi rác đã tiếp nhận 3,2 triệu tấn rác và chỉ còn chứa được gần 200 ngày nữa là quá tải.
Người dân Khánh Sơn đã nhiều lần chặn xe ra vào bãi rác để phản ứng. Chính quyền đã nhiều lần đối thoại, hứa sẽ di dời bãi rác trước 2019, nhưng đến nay đang xin đất quốc phòng để tiếp tục mở rộng các hộc chứa rác..Tháng 5 vừa qua, thành phố rút lại kế hoạch này để làm Khu liên hợp xử lý chất thải rắn.