Tiếp tục góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại cuộc họp tổ Quốc hội chiều 27/5, Phó trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc nêu nhiều ý kiến chi tiết. Về vấn đề tên nước, ông Trạc đồng tình với phương án giữ nguyên tên Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong dự thảo mới nhất trình Quốc hội.
Tuy nhiên, phần giải trình cho phương án này được ông Trạc đánh giá là "gượng ép và không thuyết phục". Dẫn lại báo cáo, ông Trạc cho rằng, tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt không làm ảnh hưởng tới nội hàm xây dựng xã hội chủ nghĩa và con đường, mục tiêu phát triển.
Phó trưởng ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Dẫn ví dụ quốc hiệu của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không có cụm từ “xã hội chủ nghĩa” trong tên nước song họ vẫn xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông Trạc nói: “Tôi chưa nghĩ ra cách gì giải thích thuyết phục nhưng tôi chấm dấu hỏi ở đây”.
“Dấu hỏi” của ông Phan Đình Trạc sau đó được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng ban Biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chia sẻ. Theo ông Lý, khi ban biên tập lập luận cho phương án tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì đã giải trình “rất thuyết phục”. Sự thuyết phục này thậm chí được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cho là "còn hơn cả lập luận về tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Theo ông Lý, nhiều người cũng đã bày tỏ ý kiến rằng, giá như năm 1976 chúng ta đừng đổi tên nước.“Nhiều người muốn trở lại tên nước rất bình dị, gần gũi với chúng ta là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ông nói.
Theo ông, pháp luật đã khẳng định rõ, Việt Nam chính thể là cộng hòa, bản chất là dân chủ. Tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng thể hiện bản chất này nhưng ở một dạng khác.
“Hai tên gọi ấy không làm ảnh hưởng tới định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên bây giờ thay rồi đổi lại thì phiền toái, tốn kém gây nên nhiều vấn đề”, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp bày tỏ.
Trưởng ban Biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Phan Trung Lý. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Chia sẻ thêm về một trong các vấn đề được cho là “nhạy cảm” này, ông Lý cho rằng, về mặt nguyên tắc, thượng tầng kiến trúc phải phù hợp với hạ tầng cơ sở, nền kinh tế Việt Nam hiện nay là định hướng chứ chưa phải là xã hội chủ nghĩa. Còn nói về chuyện xuyên tạc thì “kể cả ta làm đúng cũng có thể bị xuyên tạc”.
Đối với quy định về sự trung thành của lực lượng vũ trang (điều 70 dự thảo), ông Lý cho hay, trong Hiến pháp hiện hành cũng không ghi, nhưng qua xem xét cương lĩnh của Đảng thì có ghi nên nhiều người đề nghị bổ sung.
“Bổ sung thì thành vấn đề có phù hợp không? Tôi xin báo cáo, không phải là chỉ các ý kiến phá hoại đề nghị không ghi. Ngay cả các đồng chí tướng lĩnh cao cấp, các lão thành cách mạng cũng nêu không nên thể hiện điều đó. Trước đây mình không ghi thì có ảnh hưởng gì đâu? Lực lượng vũ trang lúc nào cũng trung thành với Đảng. Nhưng sau khi xem xét thì Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng ghi vào cũng là phù hợp”, ông Lý nói.
Bên cạnh đó, ông Phan Trung Lý cũng trao đổi về nhiều vấn đề khác trong dự thảo. Theo ông, đến thời điểm này, chưa có nội dung nào là “thắt”. Cách trình bày dự thảo, giải trình là để đại biểu cho ý kiến. Sau kỳ họp, Ban biên tập sẽ tổng hợp trình Trung ương, Quốc hội. Đến kỳ họp Quốc hội cuối năm mới “chốt”.
“Vì ta đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Dù đúng ý ta hay không đúng ý ta thì vẫn phải tôn trọng và vẫn phải được cân nhắc. Chúng tôi đang thiết kế một bản để xin tiếp ý kiến các đại biểu về từng điều một. Sau đó lại xin ý kiến đại biểu về 124 điều của bản dự thảo để sửa”, ông Lý cho hay.
Ngày 16 - 27/4, gần 52.000 lượt độc giả VnExpress.net đã bày tỏ chính kiến về Quốc hiệu trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. |
Nguyễn Hưng