Anh Dũng ước lượng người đổ ra trung tâm thương nghiệp của Đà Nẵng sáng 30/7 đông gấp năm lần những ngày trước, sau khi UBND Đà Nẵng ra thông báo ngừng bán đồ ăn mang về, lúc 23h đêm 29/7.
Ca sáng của anh Dũng bắt đầu lúc 7h30, bằng việc ôm loa nhắc nhở người đi chợ thực hiện giãn cách xã hội. Thấy khách ùn ùn kéo đến chợ, anh cùng hai đồng nghiệp thay nhau nhắc đeo khẩu trang, đứng cách 2 mét, nhưng không mấy tác dụng giữa dòng người nhao nhao mua bán.
Mỗi quầy thịt cá, chả giò, đồ khô, gạo, trứng có hàng chục người vây quanh. Tay người mua lúc lỉu túi đồ, giục người bán "nhanh lên" để còn đi mua thứ khác. Nhiều bà nội trợ cho biết "thành phố cấm bán hàng ăn mang về, nên tiện thể mua nhiều để những ngày tới khỏi ra chợ".
Hai tạ rưỡi thịt trong quầy của chị Cung Thị Tơ đã bán hết trước 10h sáng. Phản thịt còn hai kg xương và miếng ba chỉ, một bà nội trợ đến lấy nốt phần xương. Phía đối diện, các bạn hàng đều đang kiểm đếm tiền, hoặc thu dọn đồ để về. Những ngày đầu giãn cách, bà chủ quầy thịt chỉ dám nhập gần một tạ, sáng nay đã tăng gấp đôi khối lượng hàng.
"Người ta mua rào rào, không trả giá. Người ít hai, ba ký, có người mua đến năm, bảy ký", chị Tơ nói.
Cách đó vài chục mét, bà Nguyễn Thị Huệ, chủ quầy đồ khô cùng chị gái phân công nhau, người lấy đồ cho khách, người tính tiền để kịp phục vụ vì gần chục người đang đứng đợi. "Hôm nay đông khách quá, bán gấp hai, ba lần mọi hôm. Chắc người ta mua để hạn chế ra đường", bà Huệ nói, tay vẫn lấy dầu, mì tôm cho vào túi khách. Mì tôm, cá hộp là hai thứ hết sớm nhất trong quầy.
Hùng, nhân viên phân phối khiêng hai thùng mì len giữa dòng người để mang đến các đại lý trong chợ. Các cuộc gọi hỏi còn hàng hay không dồn dập tới, Hùng bước đi như chạy, cả buổi sáng "chưa có thời gian nghỉ tay uống miếng nước".
Theo quan sát, lượng người đổ đến một số siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Đà Nẵng sáng nay cũng khá đông. Trước cửa siêu thị mini trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu), người đàn ông xếp các túi đồ lên xe mang về. Tổng hoá đơn hết hai triệu đồng cho mì hộp, gạo, sữa. Anh cho biết "nhà đông người" nên phải mua nhiều. Phía trong, quầy lương thực, thực phẩm, đồ khô, bánh kẹo, nước ngọt trống rỗng. Nhiều người mua phải cầm hàng hoá trên tay khi đã hết giỏ đựng hàng.
Lệnh ngừng kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, bán hàng qua mạng, mang về ở Đà Nẵng có hiệu lực từ 13h chiều nay (30/7), sau hai ngày thực hiện cách ly toàn thành phố.
Sở Công Thương Đà Nẵng khuyến cáo người dân "không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với số lượng lớn". Bởi các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, lương thực, thực phẩm vẫn hoạt động bình thường, nguồn hàng hoá cung cấp cho người dân dồi dào.
Sáng 30/7, Bộ Y tế công bố thêm 9 ca nhiễm nCoV, gồm 8 người ở Đà Nẵng và 1 ở Hà Nội, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng lên 43 trong sáu ngày.
Hoàng Phương