Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hai năm 2018-2019 số người chết do bệnh dại đột nhiên tăng cao so với ba năm 2015-2017 cộng lại. Bảy tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 46 người chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh thành phố, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (50 ca). Tuy nhiên, ba năm 2015-2017 số người tử vong vì dại liên tục giảm, năm 2018 đến nay lại tăng cao. Đặc biệt, bệnh nhân tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại.
18 tỉnh thành phố có nhiều người chết do dại gồm: Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội.
Tại hội nghị về phòng chống bệnh dại ở các tỉnh phía Bắc, sáng 6/8, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định bệnh dại hiện là một trong số bệnh truyền nhiễm gây dịch có nhiều người chết nhất. Hầu hết trường hợp tử vong là do không tiêm vắcxin phòng dại sau khi bị động vật cắn.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắcxin hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vắcxin nhằm củng cố miễn dịch lâu dài.
Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách tiêm vắcxin dại ngay sau khi bị chó cắn.
Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối, bôi chất sát khuẩn như cồn... Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.