Theo giả thuyết này, những "bức xạ 5G" từ trạm viễn thông đã khiến không khí trở nên độc hại, gây nên tình trạng khó thở và khiến nhiều người chết dần. Theo SputnikNews, người dùng mạng xã hội tại Ấn Độ đã tin vào những giả thuyết này và lan truyền chúng, trong bối cảnh nhiều người nước này tử vong vì dịch Covid-19.
Thông tin này sau đó được khẳng định là tin giả. Nhà chức trách bang Uttar Pradesh của Ấn Độ sau đó đã phải ra thông báo, nhấn mạnh đây là các trường hợp tử vong do Covid chứ không liên quan đến "tia 5G" như các thông tin trên mạng xã hội. Mạng 5G cũng chỉ đang được thử nghiệm tại một vài khu vực của nước này, chứ chưa có mặt trên toàn quốc.
"Chúng tôi nhận được nhiều thông tin trên Facebook, WhatsApp và mạng di động, lan truyền thông tin rằng các thử nghiệm 5G đã phát tán bức xạ khiến mọi người chết dần. Đó không phải là sự thật", thông báo của nhà chức trách Uttar Pradesh viết, đồng thời kêu gọi mọi người ngừng phát tán tin đồn, không kích động các hành động quá khích.
Ngoài việc gây hoang mang cho người dân, tin giả này mang đến nguy cơ thiệt hại lớn về tài sản. Nhiều người dân tại các quận Fatehpur, Siddharthnagar, Gorakhpur và Sultanpur của bang này liên tục có cách hành động đe dọa làm gián đoạn quá trình thử nghiệm 5G, hay "nhổ" các tháp viễn thông.
Sự phổ biến Internet đến những người cao tuổi, được cho là một phần nguyên nhân khiến các tin giả lan xa. Nhiều người là giáo sư, quan chức cũng tin và chia sẻ những các tin giả này.
Shiv Gurung, một quan chức trong ngành ngân hàng cho biết ông vô tình xem được một video nói rằng 5G gây ra các vấn đề về hô hấp. Ông đã chia sẻ chúng với hàng trăm người khác vì "không loại trừ khả năng này có thể xảy ra".
Arjun Parashar, kỹ sư công nghệ 23 tuổi cho biết, mẹ anh vốn là một giáo sư Thực vật học - cũng tin vào chúng và chia sẻ cho bạn bè của bà trên WhatsApp. "Tôi cảm thấy bất lực khi chứng kiến cảnh mẹ mình - một người có trình độ học vấn cao lại tin vào chúng. Điều này vừa buồn cười, vừa kỳ quái", Arjun nói.
Theo Arjun, mẹ anh có trình độ độ học vấn cao, nhưng hiểu biết hạn chế về công nghệ. Nếu 10 người cùng nói với bà một vấn đề giống nhau thì rất có thể bà sẽ tin. "Đây là lý do khiến những tin đồn về tia 5G gây chết người chứ không phải Covid, được lan xa", Arjun Parashar nói.