Lũ thượng nguồn đổ về hạ lưu khiến đoạn đê bối thuộc hai xã Yên Khang và Yên Bằng (Ý Yên, Nam Định) bị vỡ, nhấn chìm nhiều nhà dân, có nơi ngập gần đến tầng hai. Vùng ngoài đê phía tả sông Đáy chạy qua hai xã có khoảng 300 hộ dân đang bị cô lập, hàng chục ao cá bị lũ cuốn mất trắng.
"Đây là trận lũ to nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dù đã được thông báo nhưng nước lên quá nhanh khiến người dân không xoay xở kịp, nhiều tài sản bị hư hại", ông Nguyễn Văn Vinh (60 tuổi) nói.
Hệ thống đê bối tả sông Đáy bao quanh các xã Yên Trị, Yên Khang, Yên Bằng, Yên Quang… đang có hiện tượng bị nước thẩm thấu trong thân đê, nguy cơ sạt lở cao, đe dọa hàng nghìn hộ dân.
Ông Hoàng Thanh Ba, Chủ tịch xã Yên Khang cho biết, nước lũ dâng cao tràn qua đoạn đê bối dài khoảng 8 km. Chính quyền đang cử người túc trực 24/24h hộ đê.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11/10. Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Đến hết hôm qua, mưa lũ làm 55 người chết, 38 người mất tích, chủ yếu ở Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa. |