Hàng trăm độc giả, chủ yếu ở Hà Nội, tiếp tục thắc mắc sau khi VnExpress phản ánh tình trạng tiền điện bất ngờ tăng tới 3-4 lần và ngành điện lý giải nguyên nhân là sản lượng tiêu thụ tăng đột biến mùa nóng.
Gửi tới toà soạn hoá đơn tiền điện ba tháng liền nhau, bắt đầu từ 15/3 đến 14/6, độc giả Nguyễn Văn cư trú ở Tây Hồ nghi vấn hai điểm. Thứ nhất là lượng tiêu thụ trong tháng 5 (thời gian ghi chỉ số công tơ từ 15/5 đến 14/6) tăng rất mạnh dù giai đoạn này gia đình anh đi du lịch gần một tuần. Nếu như kỳ tính tháng 3, hoá đơn nhà anh ghi lượng tiêu thụ là 400 kWh, tháng tư 480 kWh thì tháng 5 lên tới 1.178 kWh. Cách sử dụng điện không thay đổi đáng kể giữa các tháng.
"Nhà tôi dùng điều hoà thường xuyên vào buổi tối ở phòng trẻ nhỏ, dù thời tiết nóng hay lạnh. Chiếc còn lại trong phòng hai vợ chồng chủ yếu chỉ bật ngày nghỉ cuối tuần và vào ban ngày, vì vợ tôi không chịu được lạnh buổi tối", anh giải thích.
Điểm thứ hai khiến anh băn khoăn, đó là hoá đơn tháng 5 ghi tới 12 bậc tiêu thụ, mỗi bậc lại là số rất lẻ và có nhiều biểu giá khác nhau. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh được biết từ 1/6 thay đổi cách tính giá điện, nên hoá đơn phải chia thành hai kỳ tính khác nhau.
"Ngành điện nói chỉ thay đổi cách tính, giá bình quân không thay đổi, nhưng tôi thấy một số bậc có giá cao hơn trước. Và nhìn dãy số dài, chia lẻ tẻ, tôi thắc mắc liệu có khi nào cách tính mới khiến những hộ tiêu thụ điện như nhà tôi chịu chi phí cao hơn?", anh chia sẻ.
Chị Nguyễn Phương Trang ở quận Thanh Xuân cũng rối tung khi nhận hoá đơn tháng 5. Giống như nhiều hộ khác trong xóm, tiền điện nhà chị được tính từ ngày 10 tháng trước đến ngày 9 tháng sau. Hoá đơn tháng này chia làm đôi: 21 ngày theo mức cũ và 9 ngày theo giá mới. Tổng cộng lượng điện tiêu thụ là 550 kWh, chị phải trả gần 1,3 triệu đồng (đã bao gồm VAT), tăng rất nhiều so với tháng trước.
Trong số hàng chục độc giả gửi hoá đơn tới toà soạn VnExpress, hầu hết đều gồm 2 biểu giá cũ và mới vắt từ tháng 5 sang tháng 6 với cách tính không được giải thích cụ thể. Một số trường hợp cung cấp hoá đơn 3 tháng liền kề cho thấy tiền điện tháng 5 tăng gấp nhiều lần so với các tháng trước đó.
Tại TP HCM, ít độc giả phản ánh tình trạng lượng điện tiêu thụ tăng đột biến, nhưng cũng thắc mắc tại sao có quá nhiều bậc và nhiều loại giá khác nhau trên hoá đơn. Một độc giả trú tại quận Phú Nhuận cho biết từ 23/5 đến 22/6, gia đình anh sử dụng ít điện hơn tháng trước, nhưng số bậc ghi trên hoá đơn lại tăng gấp đôi và tương ứng cũng có chừng ấy mức giá.
"Nghe báo đài nói ngành điện thay đổi cách tính giá, chứ tôi đâu biết là họ thay đổi cả giá điện ở từng bậc nữa", độc giả này nói.
Infographic: Biểu giá điện đã thay đổi như thế nào từ ngày 1/6
Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) tiếp tục khẳng định, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sản lượng điện tăng là những ngày tháng 5 đến đầu tháng 6 nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ ngoài trời trên 43 độ C. Nhu cầu sử dụng điện để làm mát của khách hàng cũng tăng vọt cả ban ngày lẫn ban đêm.
Trên trang web của mình, EVN Hà Nội xác nhận do thay đổi cách tính, các trường hợp có chu kỳ tháng 5 vắt sang tháng 6, hóa đơn tiền điện được tính theo cả biểu giá cũ và mới. Sản lượng giá cũ được tính bằng tổng sản lượng điện chia cho tổng số ngày của cả chu kỳ, sau đó nhân với số ngày của tháng 5. Tương tự, sản lượng điện tính theo giá mới được tính bằng tổng khối lượng điện tiêu thụ trong tháng chia cho tổng số ngày của chu kỳ, sau đó nhân với số ngày sử dụng trong tháng 6. Tiếp đến, EVN Hà Nội tính lượng tiêu thụ trên từng bậc sau đó cộng từng sản lượng lại.
"Chúng tôi đang soạn thảo công văn để giải thích cụ thể với khách hàng", một lãnh đạo của EVN Hà Nội nói.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) cho hay, từ ngày 1/6, EVN thực hiện bán điện cho các hộ sử dụng điện theo mức giá quy định tại Quyết định số 4887của Bộ Công Thương. Giá bình quân giữ nguyên ở ngưỡng 1.508,85 đồng mỗi kWh, tuy nhiên mức giá bán lẻ điện cho các hộ sử dụng điện có điều chỉnh thay đổi theo cơ cấu biểu giá mới. “Đây không phải là điều chỉnh tăng giá điện, do mức giá bán lẻ điện bình quân vẫn giữ nguyên", ông Tri khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng giá điện được đánh theo lũy tiến, sử dụng càng nhiều tiền đóng càng cao. Cách làm này được EVN giải thích để kêu gọi người dân tiết kiệm, tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng nhiều, mà cách tính lại thay đổi thì đây là cách gián tiếp làm tăng giá điện.
Để công khai và minh bạch giá điện, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra. “Cơ quan độc lập này sẽ đối thoại với EVN, trong trường hợp thấy bất thường, có thể nhờ Cục Quản lý giá, Cục Quản lý Cạnh tranh can thiệp”, ông Doanh nói. Ngoài ra theo ông Doanh, mỗi khi chốt công tơ, nhà đèn nên yêu cầu khách hàng kiểm chứng để tránh sai sót nhầm lẫn.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải Trả lời VnExpress tại Họp báo Chính phủ chiều 1/7: - Ngành điện khẳng định chỉ thay đổi cách tính chứ không tăng giá điện, nhưng thực tế hoá đơn tiền điện tháng 6 của nhiều hộ gia đình tăng bất thường. Bộ Công Thương nhận định hiện tượng này thế nào? - Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, tất cả các mặt hàng sẽ dần hướng tới giá thị trường. Việt Nam đang đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không thể bao cấp mãi được. Hiện nay không những điện mà sắp tới sẽ là xăng dầu cũng như một số mặt hàng cốt yếu khác của đất nước, kể cả ảnh hưởng rất nhiều đến người dân, chúng ta cũng phải đi theo hướng này. Với điện, từ 1/6, chúng ta không tăng giá mà tính theo biểu mới. Chúng ta vẫn định hướng tiến tới giá thị trường, nhưng đảm bảo giá hợp lý cho những người nghèo, thu nhập thấp. Trước đây chúng ta cung cấp điện dưới giá thành, nhưng hiện nay là tiến tới giá thành. Nhưng vẫn có chính sách hỗ trợ với những người nghèo. Việc thứ 2 hết sức quan trọng là giá điện cho các vùng hải đảo, biên giới. Trước kia để mang điện ra đó hết sức tốn kém. Nhưng hiện nay, với chính sách mới, giá ngoài hải đảo cũng bằng trong đất liền. Với các hộ dùng từ 100 số trở lên, chúng ta đang thực hiện theo giá của thị trường, tức là giá thành cũng chính là giá bán. Và chúng ta phải tính đến tiết kiệm. Nước nào cũng vậy, phải tính theo thu nhập của từng người dân, hộ gia đình. |
Hoàng Lan