Mùa công bố báo cáo tài chính quý III bắt đầu dần hé lộ bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng. Nếu so với mức tăng trưởng của chính những nhà băng này trong nửa đầu năm, sự chững lại đã xuất hiện trên những chỉ tiêu tài chính quan trọng, đặc biệt là lợi nhuận. Kết quả cũng trùng với dự báo của giới phân tích do lo ngại ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư.
Dù vậy, những con số tăng trưởng của nhóm nhà băng tầm trung và thấp, vẫn vượt trội so với phần còn lại của thị trường.
Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là nhà băng đầu tiên công bố kết quả 9 tháng, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch và tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét riêng quý III, tốc độ tăng lợi nhuận của TPBank có phần chững lại, đạt khoảng 36%, so với mức tăng 48% trong nửa đầu năm.
Động lực tăng trưởng của ngân hàng này vẫn đến từ hoạt động kinh doanh chính, với tổng thu nhập hoạt động đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý khoảng 15%.
Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết đã hoàn thành 82% kế hoạch sau 9 tháng. Theo đó, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỷ đồng, tăng 36% cùng kỳ và vượt mức lợi nhuận cả năm 2020. Tuy nhiên, cũng như TPBank, tốc độ tăng trưởng trong quý III của HDBank đã chững lại, chỉ đạt hơn 20%, so với mức tăng 44% trong nửa đầu năm.
So với TPBank và HDBank, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có phần tích cực hơn về tăng trưởng. Nhà băng này ghi nhận lợi nhuận 9 tháng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Biên độ tăng, thậm chí, còn cao hơn lũy kế lợi nhuận 6 tháng đầu năm, cho thấy mức tăng trưởng quý III vượt đỉnh.
Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, biên độ tăng có phần ấn tượng hơn, một phần do mức nền thấp của năm trước. Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank) cùng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần trong 9 tháng.
Trong đó, lợi nhuận của NCB từ đầu năm đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng này báo lãi gần 80 tỷ đồng, gấp 16 lần quý III/2020. Đóng góp cho mức tăng trưởng ấn tượng của NCB chủ yếu là mức nền lợi nhuận thấp của những năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần, "nồi cơm" chính của ngân hàng, tăng hơn 30%, giúp lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt hơn 530 tỷ đồng, tăng gần 45%. Việc trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc của NCB giảm mạnh, riêng quý III đã không còn ghi nhận, song chi phí dự phòng rủi ro lại tăng lên tương ứng. Tổng mức trích lập trong 9 tháng đạt hơn 320 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.
Với KienLongBank, lần đầu tiên nhà băng này ghi nhận lợi nhuận gần chạm tới nghìn tỷ đồng trong ba quý đầu năm, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm, thu thập lãi thuần đến từ hoạt động tín dụng của KienLongBank tăng hơn 90% so với cùng kỳ lên gần 1.520 tỷ đồng, dù ngân hàng này gần như không tăng trưởng tín dụng. Theo đó, mức tăng lãi thuần do tỷ trọng dư nợ vay có sự điều chỉnh, tăng cho vay xây dựng và cho vay bất động sản.
Mới đây, ngân hàng này cũng thay đổi hàng loạt chức danh chủ chốt. Trong đó, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Group được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc.
Trước đó, trong báo cáo đầu tháng 10, Fiin Group thống kê sơ bộ trên 9 ngân hàng đang niêm yết trên HoSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM, lợi nhuận các nhà băng dự kiến giảm quý thứ hai liên tiếp so với quý liền kề. Còn nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng tăng gần 11%, tốc độ tăng đã chậm lại trong hai quý gần đây.
"Gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là hai nguyên nhân chính", FiinGroup đánh giá.
Vietcombank và VietinBank, theo Fiin Group, sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt gần 1% và 5% so với quý trước, chủ yếu do nền so sánh thấp vì hai ngân hàng này đã tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý II.
Trong khi đó, VIB dự kiến có lợi nhuận giảm mạnh gần 40% so với quý II, do các mảng kinh doanh chính (bao gồm cho vay mua nhà, ôtô và bán chéo bảo hiểm) bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn.
Minh Sơn