Ông Nguyễn Bá Hải: "Từ nay đến 6/2009, chắc chắn còn nhiều lao động phải về nước trước thời hạn". Ảnh: Hồng Khánh. |
Tại hội nghị việc làm và xuất khẩu lao động tổ chức ở Hà Nội ngày 15/12, ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Tình trạng lao động Việt Nam tại Đài Loan bị mất việc làm, phải về nước sớm hiện diễn ra thế nào?
- Trước khi về Việt Nam, tôi đã làm việc với cơ quan quản lý lao động Đài Loan, họ cũng không nắm được số liệu bao nhiêu lao động bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Chỉ biết rằng ngành bị tác động mạnh nhất là công nghiệp điện tử, vì các sản phẩm này chủ yếu xuất sang Nhật Bản và Mỹ, hai nước bị suy thoái nghiêm trọng. Hiện có khoảng 30% trong tổng số 81.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại ngành công nghiệp điện tử Đài Loan.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng lao động Việt Nam bị sa thải, phải về nước trước thời hạn trong thời gian tới?
- Ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới, sang năm kinh tế Đài Loan vẫn bị ảnh hưởng. Nhưng theo đánh giá của các cơ quan Đài Loan, từ tháng 6/2009 trở đi nền kinh tế sẽ phục hồi và mọi việc sẽ ổn định trở lại. Còn từ giờ đến tháng 6 chắc chắn sẽ còn nhiều lao động mất việc, phải về nước trước thời hạn.
Tuy nhiên, không phải lao động ở tất cả ngành nghề đều phải về nước. Hiện với hợp đồng chúng tôi mới thẩm định thì mấy tháng tới, mỗi tháng vẫn đều đặn 3-4 nghìn lao động sang Đài Loan. Như vậy, rõ ràng chỉ ngành chịu nhiều tác động do suy thoái kinh tế như công nghiệp điện tử và dệt thì lao động mới có nguy cơ mất việc, phải về nước trước hạn. Còn ngành cơ khí và số chị em đi giúp việc gia đình, chăm sóc bệnh nhân thì không bị ảnh hưởng.
- Với lao động bị mất việc làm, pháp luật Đài Loan có chính sách gì?
- Lao động bị mất việc làm thì một là về nước, hai là chuyển chủ, hoặc có thể chủ cho về nước một thời gian sau đó lại sang. Đối với lao động về nước thì luật của Đài Loan quy định người kết thúc hợp đồng trước thời hạn sẽ được đền bù mỗi năm làm việc một tháng lương cơ bản (17.280 đài tệ, khoảng 600 USD). Trong hợp đồng của lao động cũng có điều khoản nếu bên nào kết thúc hợp đồng trước thì phải đền bù giá vé máy bay lượt về.
Nếu lao động không về thì Cục Lao công địa phương sẽ bố trí chuyển chủ cho họ. Thời gian ở lại chờ chuyển chủ là 60 ngày. Hết thời gian này nếu không tìm được việc làm mới thì buộc phải về nước. Hiện đã có khoảng 30 người về theo kiểu này. Số ở lại còn chuyển chủ khoảng vài ba chục.
- Khả năng chuyển chủ cho lao động như thế nào, thưa ông?
- Tình trạng sa thải lao động ở Đài Loan mới xảy ra đầu tháng 12, phải đợi 2 tháng sau khi hết thời gian chờ việc mới thống kê được. Nhưng theo thông báo của cơ quan lao động địa phương thì thông thường khoảng 10% lao động nước ngoài được chuyển chủ.
- Ông có khuyến cáo gì với lao động chuẩn bị sang Đài Loan làm việc?
- Lao động nên đề nghị đơn vị ký hợp đồng cung cấp đầy đủ số liệu, tin tức về công việc sắp tới sẽ làm để tránh trường hợp phải về nước trước thời hạn. Đừng cứ thấy hợp đồng mà đi thì dễ gặp rủi ro.
Còn đối với chúng tôi, khi có hợp đồng mới sẽ thẩm định kỹ, yêu cầu chủ phải có bản cam kết bảo đảm thời gian làm việc dài hạn cho lao động, nếu không thì sẽ giả hồ sơ.
Năm nay, trong 85.000 lao động Việt Nam xuất khẩu, thì Đài Loan là khu vực dẫn đầu về số lượng với 33.000 người, kế đó là Hàn Quốc 16.000, Malaysia từ vị trí số một năm ngoái nay tụt xuống thứ ba với 7.800 người. Thu nhập tại Đài Loan khoảng 400-700 USD. Tuy nhiên, chi phí đi Đài Loan khá cao, trên 5.000 USD, trong đó riêng mức phí môi giới theo quy định đã là 1.500 USD cho hợp đồng công nhân nhà máy và xây dựng, làm việc 2 năm và được gia hạn một năm. |
Hồng Khánh